Chào mừng thành lập ngành 77 năm
Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu cấp Bộ kết quả thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Bộ năm 2021

Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu cấp Bộ kết quả thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Bộ năm 2021

Ngày 31/10/2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu cấp Bộ kết quả thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Bộ năm 2021, mã số TNMT.2021.01.10, đề tài “Nghiên cứu, đề xuất các tiêu chí, điều kiện thu hồi đất vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”, do Tiến sỹ Nguyễn Đắc Nhẫn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý đất đai là chủ nhiệm đề tài.
Chào mừng thành lập ngành 77 năm

Đề xuất mô hình ngân hàng quỹ đất nông nghiệp tại Việt Nam

Thứ tư - 22/12/2021 02:48 773 0
Ngân hàng Quỹ đất nông nghiệp là doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công ích, trực thuộc Tổ chức Phát triển quỹ đất. NHQĐNN đóng vai trò trung gian giữa chủ sử dụng đất và Nhà đầu tư để thực hiện các giao dịch về đất nông nghiệp. Ngân hàng có chức năng tạo lập, phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất nông nghiệp; nhận thuê, cho thuê; là trung gian thực hiện các giao dịch khác về đất nông nghiệp (chuyển nhượng và nhận góp vốn bằng QSDĐ nông nghiệp; thuê đất công ích của UBND xã; chuyển đổi QSDĐ).
Đề xuất mô hình ngân hàng quỹ đất nông nghiệp tại Việt Nam

1. Đặt vấn đề
Hiện nay, trong xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu thì nhu cầu đất nông nghiệp cho việc mở rộng vùng nguyên liệu là rất quan trọng đối với các doanh nghiệp nông nghiệp trong nước cũng như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lại thiếu thông tin và khó tiếp cận với nguồn cung đất nông nghiệp. Trong khi khoảng 10 triệu hộ nông dân, chiếm giữ trên 10 triệu ha (chiếm 90% diện tích đất sản xuất nông nghiệp Nhà nước đã giao cho các đối tượng sử dụng) với trên 76 triệu thửa đất; phương thức sản xuất nông nghiệp hộ nông dân mô nhỏ, phân tán lao động thủ công là chủ yếu, năng suất lao động thấp, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng của các sản phẩm nông nghiệp thấp. Tiềm năng đất nông nghiệp không được khai thác đầy đủ, kém hiệu quả, hoặc bị bỏ hoang, tình trạng này xảy ra ngay cả ở những địa phương có diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người rất thấp. Lãng phí đất đai đang là điểm nghẽn của tái cơ cấu nông nghiệp, gây khó khăn cho ứng dụng khoa học, công nghệ và cơ giới hóa.
Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam, thực tiễn về quản lý sử dụng đất nông nghiệp và kinh nghiệm tại một số nước cho thấy cần phải thành lập mô hình Ngân hàng Quỹ đất nông nghiệp (NHQĐNN).
2. Phương pháp nghiên cứu
Các phương pháp chính được áp dụng trong nghiên cứu bao gồm:
(i) Phương pháp điều tra, thu thập thông tin:
- Phương pháp điều tra, thu thập thông tin:
+ Phương pháp điều tra, thu thập thông tin thứ cấp: Tiến hành điều tra, thu thập thông tin, tài liệu tại các cơ quan quản lý về đất đai ở Trung ương (từ các đơn vị như Cục Kiểm soát quản lý và sử dụng đất đai, Vụ Chính sách và Pháp chế, Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất, Cục Đăng ký đất đai thuộc Tổng cục Quản lý đất đai,…) và địa phương (Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và môi trường, Phòng Thống kê...); Trung tâm Phát triển Quỹ đất (PTQĐ); Quỹ phát triển đất…
+ Phương pháp điều tra, thu thập thông tin sơ cấp: Điều tra, khảo sát thực tế trên địa bàn 06 tỉnh đại diện cho các vùng trong cả nước, gồm 6 tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Vĩnh Long, Bình Phước, Quảng Bình, Sơn La; tìm hiểu các thông tin tại các khu vực đất sản xuất nông nghiệp sử dụng không hiệu quả hoặc bỏ hoang; khả năng sử dụng quỹ đất sản xuất nông nghiệp để thành lập mô hình NHQĐNN; việc sẵn sàng tham gia và mong muốn về mức thu của người sử dụng đất khi tham gia vào mô hình NHQĐNN...
- Phương pháp thống kê, tổng hợp: Tổng hợp xử lý tài liệu, số liệu điều tra về thực trạng hoạt động của Tổ chức PTQĐ; Quỹ Phát triển đất; thực trạng quản lý, sử dụng quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn 6 tỉnh điều tra phục vụ cho quá trình phân tích, đề xuất mô hình NHQĐNN. Tiến hành phân tích, đánh giá định tính, định lượng các kết quả điều tra để giúp cho việc so sánh và đánh giá bản chất các vấn đề và nội dung cần nghiên cứu.
- Phương pháp kế thừa: Kế thừa các kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước có liên quan tới cơ sở lý luận và thực tiễn để đề xuất mô hình NHQĐNN.
- Phương pháp chuyên gia: Tham vấn ý kiến các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, cán bộ có kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý đất đai, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế đất. Thông qua hội thảo khoa học, góp ý hoặc phản biện kết quả nghiên cứu; tham khảo ý kiến của các chuyên gia, cán bộ Trung ương và địa phương.
- Phương pháp SWOT: Phương pháp phân tích SWOT (các điểm Mạnh, điểm Yếu, Cơ hội và Rủi ro). Thông qua phương pháp này, sẽ giúp nắm được một cách tổng thể về mô hình NHQĐNN, xác định rõ mục tiêu cũng như các yếu tố có thể ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực; lựa chọn phương án xây dựng mô hình NHQĐNN phù hợp với điều kiện ở Việt Nam.
3. Kết quả và thảo luận
3.1. Định hướng đề xuất về hình thức, nội dung và hoạt động mô hình Ngân hàng Quỹ đất nông nghiệp
- NHQĐNN là một bộ phận thuộc Tổ chức phát triển quỹ đất, hạn chế thành lập tổ chức mới và sử dụng tối đa nhân lực hiện có của Tổ chức PTQĐ để thực hiện các nhiệm vụ của NHQĐNN.
- Việc thành lập NHQĐNN sẽ phụ thuộc vào văn hóa, đặc thù, thực trạng sử dụng đất và nhu cầu của từng địa phương.
- NHQĐNN là một doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công ích: Theo Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI ngày 31/10/2012 về hoàn thiện cơ chế, chính sách, tăng cường năng lực của Tổ chức phát triển quỹ đất, từng bước chuyển Tổ chức Phát triển quỹ đất sang mô hình doanh nghiệp phát triển quỹ đất; phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ về đất đai”;
- NHQĐNN sẽ từng bước thí điểm hoạt động tại một số địa phương.
- NHQĐNN tạo quỹ đất theo đặt hàng của Nhà đầu tư và là trung gian để thực hiện các giao dịch về đất nông nghiệp: NHQĐNN là trung gian giữa chủ sử dụng đất và nhà đầu tư để thực hiện các giao dịch về đất nông nghiệp (thuê đất, chuyển nhượng, góp vốn, thuê đất công ích của UBND xã) và có cơ chế quản lý đối với việc thực hiện các giao dịch này.
- Hoạt động của NHQĐNN phải có sự liên kết và tham gia của nhiều ngành có liên quan: NHQĐNN phải đồng bộ và hệ thống thể hiện sự thống nhất trong hệ thống NHQĐNN nói riêng, thống nhất giữa các giai đoạn và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
- Hoạt động của mô hình NHQĐNN cần bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.
3.2. Thực trạng quản lý, sử dụng đất nông nghiệp và có liên quan đến mô hình Ngân hàng Quỹ đất nông nghiệp
Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2018, tổng diện tích đất nông nghiệp của cả nước là 27.289 nghìn ha, chiếm 82,39% tổng diện tích tự nhiên và chiếm gần 88% tổng diện tích đất đã sử dụng. Trong đó, có 90% đất nông nghiệp nước ta là thuộc các hộ nông nghiệp và trang trại, 6% thuộc các doanh nghiệp, số còn lại thuộc các cơ sở khác.
Tại các địa bàn điều tra, nhìn chung diện tích đất nông nghiệp đã giao cho các đối tượng khá lớn. Các tỉnh Thái Bình, Bình Phước, Vĩnh Long, Hà Nam, diện tích đất nông nghiệp đã giao cho các đối tượng sử dụng đạt 100% (tỉnh Thái Bình) hoặc đều trên 97% tổng diện tích đất nông nghiệp. Riêng 2 tỉnh Quảng Bình, Sơn La có diện tích nông nghiệp đã giao cho các đối tượng sử dụng ít hơn, tỷ lệ diện tích nông nghiệp đã giao cho các đối tượng sử dụng chiếm tỷ lệ tương ứng là 84,90% và 63,62% tổng diện tích đất nông nghiệp
Diện tích đất nông nghiệp chủ yếu là do hộ gia đình, cá nhân trong nước sử dụng: tỉnh Vĩnh Long 99,79% diện tích đất nông nghiệp là do hộ gia đình, cá nhân trong nước sử dụng, tỉnh Thái Bình tỷ lệ này là 90,78 %, các tỉnh Sơn La và Hà Nam đạt trên 80%. Diện tích đất nông nghiệp còn lại là do tổ chức trong nước sử dụng. (xem Bảng 1)
Bảng 1: Hiện trạng đất nông nghiệp tại địa bàn điều tra theo đối tượng sử dụng năm 2018
Đơn vị tính: 1.000 ha
TT Địa phương Tổng diện tích đất nông nghiệp Diện tích đất NN đã giao theo đối tượng sử dụng Diện tích đất nông nghiệp theo đối tượng sử dụng
Hộ gia đình, cá nhân trong nước Tổ chức trong nước Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài Cộng đồng dân cư và cơ sở tôn giáo
I Địa bàn điều tra            
1 Sơn La 1.007,32 640,85 542,17 97,53 0,08 1,07
2 Hà Nam 52,98 51,58 41,33 10,10   0,16
3 Thái Bình 107,79 107,79 97,85 9,85   0,09
4 Quảng Bình 720,42 611,62 195,73 406,19 0,10 9,60
5 Bình Phước 620,38 619,34 378,30 240,91 0,09 0,05
6 Vĩnh Long 120,49 120,21 119,96 0,18 0,08  
II Cả nước 27.289,45 24.456,62 14.990,99 9.112,02 23,96 329,66
Nguồn: Báo cáo Thống kê đất đai năm 2018
Diện tích đất nông nghiệp trong các hộ không có nhu cầu sử dụng vào sản xuất gia tăng. Mặt khác cho thấy chỉ có hơn 60% nguồn lực xã hội dành cho nông nghiệp và chỉ chưa đầy 1% doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp là quá thấp so với tiềm năng. Tại các địa bàn điều tra diện tích đất hiện có của doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản không nhiều. Tỉnh Bình Phước có tỷ lệ diện tích đất của doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản so với tổng diện tích đất nông nghiệp cao nhất 55.972 ha (chiếm 9,02%), tỉnh Quảng Bình 25.047 ha (chiếm 3,48%), tỉnh Sơn La 14.664 ha (chiếm 1,46%) các tỉnh còn lại có diện tích không nhiều. (xem Bảng 2)
Chính phủ đã thí điểm cho phép chính quyền đứng ra thuê đất của người dân để cho doanh nghiệp thuê lại, mô hình này được triển khai thành công tại nhiều địa bàn của tỉnh Hà Nam. Bước đầu, hình thức doanh nghiệp thuê QSDĐ nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân để sản xuất nông nghiệp được địa phương đánh giá là giải pháp tương đối phù hợp với điều kiện hiện nay của Việt Nam, bảo đảm cho người nông dân được hưởng lợi từ cho thuê đất mà ít phải đối mặt với các rủi ro.
Thực tế tại các địa bàn điều tra, tình trạng nông dân bỏ ruộng diễn ra khá phổ biến. Trong khi đó doanh nghiệp lại rất khó để có được một diện tích đất đủ lớn để hoạt động sản xuất; doanh nghiệp muốn thuê đất phải vận động, thương lượng với từng hộ gia đình. Có những hộ có ruộng đất nằm xen kẽ trong vùng đất doanh nghiệp đã thuê, dù được doanh nghiệp, hợp tác xã, chính quyền địa phương vận động (kể cả đổi cho hộ diện tích đất tương đương ở vị trí khác) nhưng vẫn kiên quyết không cho doanh nghiệp thuê.
Bảng 2: Thực trạng sử dụng đất của doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản tại địa bàn điều tra năm 2018
Đơn vị tính: ha
TT Địa phương Diện tích đất nông nghiệp Diện tích đất hiện có của DN Diện tích đang sử dụng của DN  
 
I Địa bàn điều tra        
1 Tỉnh Sơn La 1.007.320 14.664,3 13.344,5  
2 Tỉnh Hà Nam 52.980 4,5 4,5  
3 Tỉnh Thái Bình 107.790 69,5 68,5  
4 Tỉnh Quảng Bình 720.420 25.046,9 6.691,3  
5 Tỉnh Bình Phước 620.380 55.971,6 55.121,6  
6 Tỉnh Vĩnh Long 120.490 86,3 86,3  
II Cả nước 27.289.450 2.700.446,1 1.936.387,3  
Nguồn: Tổng hợp số liệu địa bàn điều tra; Tổng cục thống kê
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng tình hình phát triển hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ xây dựng cánh đồng lớn trong thực tiễn vẫn bộc lộ hạn chế, bất cập, có thể kể đến như: diện tích cánh đồng lớn chiếm tỷ lệ rất nhỏ là 3,9% so với tổng diện tích cây trồng: Tốc độ mở rộng diện tích liên kết cánh đồng lớn còn chậm. Hình thức doanh nghiệp thuê đất của nông dân còn chiếm tỷ lệ nhỏ vì nhiều khó khăn, chẳng hạn khi thuê đất doanh nghiệp phải hợp đồng với quá nhiều đối tượng với những điều kiện và yêu cầu khác nhau. Người thuê đất và cho thuê đất gặp khó khăn trong việc thỏa thuận với người sử dụng đất về giá thuê và thời hạn cho thuê. Nếu người thuê đất có nhu cầu thuê mảnh đất với diện tích lớn thì phải thỏa thuận với nhiều hộ gia đình, cá nhân khác nhau, nếu một số người dân không có nhu cầu cho thuê hoặc không có sự đồng thuận thì khó thuê được diện tích đất đủ lớn để thực hiện dự án; khó khăn trong việc quản lý quy hoạch khi người sử dụng đất tổ chức hoạt động sản xuất.
Đề xuất mô hình Ngân hàng Quỹ đất nông nghiệp
NHQĐNN là doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công ích, trực thuộc Tổ chức Phát triển quỹ đất. Hình thức và nội dung hoạt động của mô hình NHQĐNN cụ thể như sau:
(i) Hình thức của mô hình NHQĐNN
NHQĐNN trực thuộc Tổ chức PTQĐ,  địa phương giữ vai trò chủ đạo, Trung ương hỗ trợ và giám sát việc thực hiện, từng cấp (Trung ương, tỉnh, huyện) sẽ có các bộ phận quản lý, thực hiện với các chức năng, nhiệm vụ khác nhau của NHQĐNN. Cơ chế quản lý của mô hình NHQĐNN cụ thể như sau (Sơ đồ quy trình hoạt động của NHQĐNN như sau:)

Sơ đồ quy trình hoạt động của Ngân hàng Quỹ đất nông nghiệp

Dự kiến hình thức hoạt động của mô hình NHQĐNN tại các cấp như sau:

 
* Ở cấp Trung ương
Theo phân cấp chức năng, nhiệm vụ hiện nay, Phòng Bồi thường và Phát triển quỹ đất thuộc Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất sẽ bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ cho để quản lý chung các giao dịch về đất nông nghiệp của NHQĐNN.
Phòng sẽ quản lý các giao dịch về đất nông nghiệp hoạt động dưới hình thức thuộc đơn vị quản lý Nhà nước, toàn bộ cán bộ của Phòng đều là công chức Nhà nước, được Nhà nước cấp 100% kinh phí hoạt động.
* Địa phương:
NHQĐNN là bộ phận trực thuộc Tổ chức PTQĐ, có tư cách pháp nhân, con dấu riêng và được mở tài khoản theo quy định của pháp luật. Các địa phương căn cứ vào văn hóa, đặc thù, tình hình thực tế và nhu cầu để thành lập NHQĐNN.
- Cấp tỉnh: Thành lập NHQĐNN thuộc UBND tỉnh. NHQĐNN cấp tỉnh hoạt động theo phương thức doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công ích, tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên.
NHQĐNN tỉnh sẽ giải quyết các dự án có nhu cầu sử dụng quỹ đất nông nghiệp theo phân cấp quản lý.
Ngoài ra, tùy đặc thù của từng tỉnh/ thành phố, NHQĐNN tỉnh/thành phố sẽ giải quyết các giao dịch về đất đai của các quận/ huyện không thành lập NHQĐNN quận/ huyện
- Cấp huyện: Không nhất thiết phải thành lập Chi nhánh NHQĐNN tại tất cả các quận/ huyện trên cả nước, tùy từng đặc thù hoặc điều kiện của từng địa phương để thành lập Chi nhánh NHQĐNN trong Chi nhánh Tổ chức PTQĐ hoặc Tổ chức PTQĐ thuộc UBND quận, huyện.
(ii) Nội dung hoạt động của Ngân hàng Quỹ đất nông nghiệp
Ngân hàng có chức năng tạo lập, phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất nông nghiệp; nhận thuê, cho thuê; làm trung gian thực hiện các giao dịch về đất nông nghiệp khác (chuyển nhượng; nhận góp vốn bằng QSDĐ nông nghiệp của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; thuê đất công ích của UNND xã; chuyển đổi QSDĐ nông nghiệp). Dự kiến nội dung hoạt động của mô hình NHQĐNN tại các cấp cụ thể như sau:
* Tại Trung ương
Bổ sung thêm nhiệm vụ chính cho Phòng Bồi thường và Phát triển quỹ đất thuộc Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất như sau:
- Hướng dẫn việc thực hiện các giao dịch về đất nông nghiệp theo phân cấp quản lý.
- Quản lý, kiểm soát việc thực hiện các giao dịch về đất nông nghiệp của NHQĐNN trên phạm vi cả nước.
- Quản lý, điều hành chung về hệ thống thông tin về quỹ đất nông nghiệp của cả nước.
* Tại NHQĐNN cấp tỉnh và Chi nhánh NHQĐNN
Nội dung hoạt động của NHQĐNN và Chi nhánh NHQĐNN về cơ bản giống nhau, chỉ khác nhau về phân cấp quản lý các giao dịch về đất nông nghiệp. Nội dung hoạt động bao gồm:
(1) Thu thập thông tin về nguồn cung và nhu cầu sử dụng đất nông nghiệp
(2) Xây dựng kế hoạch quản lý, tạo lập, cung cấp quỹ đất nông nghiệp.
(3) Tạo lập nguồn cung về đất nông nghiệp
(4) Thẩm định hồ sơ
(5) Làm trung gian thực hiện các hợp đồng giao dịch về đất nông nghiệp
(6) Quản lý, giám sát việc khai thác, sử dụng quỹ đất nông nghiệp:
(7) Hoàn tất thủ tục khi kết thúc dự án.
(8) Xây dựng hệ thống dữ liệu, cung cấp thông tin về quản lý, sử dụng quỹ đất nông nghiệp.
(9) Thực hiện việc thu phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.
4. Kết luận
Việc thành lập NHQĐNN nằm trong lộ trình hoàn thiện quy định pháp luật về cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, cho phép tập trung ruộng đất để sản xuất lớn. NHQĐNN đóng vai trò trung gian giữa chủ sử dụng đất và Nhà đầu tư để thực hiện các giao dịch về đất nông nghiệp. Ngân hàng tạo quỹ đất để cho các nhà đầu tư thuê và có cơ chế quản lý đối với các giao dịch về đất nông nghiệp. Các giao dịch về đất nông nghiệp sẽ thuận tiện hơn, do chính quyền đứng ra thuê đất, nhận chuyển nhượng QSDĐ, nhận góp vốn bằng QSDĐ… thì sẽ làm theo quy hoạch, dễ tạo đồng thuận trong dân.
Minh Đức

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thi đua yêu nước
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây