Đề xuất sửa đổi pháp luật đất đai, tại hội thảo “Những bất cập trong quá trình thực hiện Luật Đất đai năm 2013” của tỉnh Quảng Nam mới đây, nhiều ý kiến đề nghị điều chỉnh chính sách thu hồi đất.
Theo bà Trịnh Thị Thanh Hải - Chánh Thanh tra Sở TN&MT Quảng Nam, hiện nay, trình tự thủ tục thu hồi đất trong các trường hợp tổ chức được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất trong quá trình hoạt động bị thu hồi hoặc thuộc trường hợp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư còn phức tạp, rườm rà (do phải chờ có quyết định giải thể, phá sản của cơ quan có thẩm quyền). Việc quy định như vậy chỉ phù hợp với trường hợp người sử dụng đất tự nguyên trả lại đất, đối với các trường hợp còn lại thì thực tế rất khó để yêu cầu các tổ chức gửi thông báo hoặc văn bản trả lại đất và giấy chứng nhận để làm thủ tục thu hồi. Bởi lẽ dù đã chuyển đi nơi khác, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng nhưng tổ chức vẫn cố tình giữ đất lại. Bất cập còn ở việc thỏa thuận trong sử dụng đất.
Ảnh minh họa
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Phi Hùng - Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh cho rằng, phải có thỏa thuận của người bị thu hồi đất.
Theo đề xuất của Cơ quan Mặt trận tổ quốc tỉnh Quảng Nam, Luật Đất đai sửa đổi sắp tới cần đề cập có sự thỏa thuận của bên có đất bị thu hồi, tức là người dân có đất bị thu hồi phải là một bên trong quy trình định giá đất. Trường hợp không thỏa thuận được thì người bị thu hồi đất có quyền yêu cầu cơ quan thẩm định giá độc lập thẩm định lại (tổ chức tư vấn xác định giá đất).
Ngoài ra, quy định bắt buộc về việc Chính phủ và UBND các địa phương phải xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu định giá đất; thường xuyên cập nhật sự biến động giá đất trong cả nước và theo vùng miền, địa phương để làm cơ sở thực tiễn, khoa học cho việc xây dựng (điều chỉnh) khung giá đất. Ban hành văn bản hướng dẫn việc điều chỉnh mức chênh lệch tối thiểu về giá đất bồi thường giữa dự án có nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước với dự án có nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước để đảm bảo sự hài hòa giữa các dự án.
Thông thường khung giá đất do UBND cấp tỉnh quy định chỉ bằng khoảng 60% giá đất thị trường tại địa phương. Nhiều trường hợp chỉ cách nhau một con đường nhưng giá đất của 2 địa phương giáp ranh lại rất chênh lệch, cách xa nhau tới hàng chục lần. Ngoài ra, trong toàn bộ quy trình định giá đất thì người bị thu hồi đất hầu như không được tham gia mà tất cả đều do cơ quan hành chính nhà nước thực hiện. Mặc dù Luật Đất đai năm 2013 quy định về tư vấn xác định giá đất nhưng cũng chưa có quy định bảo đảm cho tổ chức tư vấn giá đất thực sự có vị trí độc lập...
Thực tế, hiện nay việc thu hồi đất đối với các dự án đầu tư có nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước (đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp) thì giá đất bồi thường cơ bản sát với giá thị trường. Tuy nhiên, đối với các dự án đầu tư có nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước thì giá đất bồi thường thấp so với giá thị trường nên người bị thu hồi đất không thỏa mãn, không chấp hành quyết định thu hồi đất của Nhà nước.
Nguồn: Monre.gov.vn