THỂ CHẾ HÓA NGHỊ QUYẾT CỦA ĐẢNG TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, HOÀN THIỆN NỘI DUNG QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT NHẰM NÂNG CAO
CHẤT LƯỢNG, TÍNH KHẢ THI CỦA QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT
- KẾT QUẢ ĐỀ TÀI NCKH CẤP QUỐC GIA BĐKH.09/16-20
Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31 tháng 10 năm 2012 Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, trong đó, về quy hoạch sử dụng đất, Đảng ta đã có chủ trương: “Đổi mới, nâng cao tính liên kết, đồng bộ giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành, lĩnh vực khác có sử dụng đất theo hướng quy hoạch sử dụng đất phải tổng hợp, cân đối, phân bổ hợp lý, sử dụng hiệu quả đất đai cho các ngành, lĩnh vực, vùng lãnh thổ và đơn vị hành chính. Quy hoạch xây dựng và quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải phù hợp với các chỉ tiêu, tiến độ sử dụng đất được phân bổ trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất” và “Đổi mới kế hoạch sử dụng đất hằng năm theo hướng phải thể hiện được nhu cầu sử dụng đất của các dự án đầu tư, của các ngành, lĩnh vực, làm căn cứ để Nhà nước thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và xây dựng chính sách tài chính về đất đai”.
Chủ trương của Đảng về đổi mới quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong Nghị quyết số 19-NQ/TW đã được thể chế trong Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Pháp luật đất đai đã quy định 12 nội dung về công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, gồm: nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Căn cứ, nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp; trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thẩm định và thẩm quyền quyết định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thực hiện và việc báo cáo thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Các quy định của pháp luật đất đai (theo Luật Đất đai 2013) về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã tạo hành lang pháp lý ngày càng đầy đủ hơn. Trên cơ sở đó, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã có những bước tiến rõ rệt và đạt được những kết quả tích cực. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã trở thành công cụ quản lý nhà nước về đất đai hiệu quả và là một trong những giải pháp lớn để sử dụng đất đai hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững.
Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội theo chiều hướng hội nhập trong thế giới phẳng hiện nay, kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế luôn có sự vận động phát triển nên các quy định của pháp luật đất đai về công tác quy hoạch sử dụng đất nói chung, về nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nói riêng đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần phải được nghiên cứu bổ sung, đổi mới, hoàn thiện phù hợp với tình hình thực tiễn. Nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã quyết định triển khai thực hiện Đề tài NCKH cấp quốc gia "Nghiên cứu cơ sở khoa học, đề xuất đổi mới phương pháp luận và ứng dụng công nghệ trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm góp phần quản lý, sử dụng tài nguyên đất hiệu quả, bền vững", mã số BĐKH.09/16-20; chủ nhiệm đề tài là TS. Nguyễn Đắc Nhẫn; cơ quan chủ trì thực hiện Đề tài là Viện Nghiên cứu Quản lý đất đai (sau đây gọi tắt là Đề tài BĐKH.09/16-20). Đề tài BĐKH.09/16-20 đã được Hội đồng nghiệm thu cấp quốc gia đánh giá nghiệm thu vào tháng 12 năm 2019 và được Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quyết định số 1355/QĐ-BTNMT ngày 19 tháng 6 năm 2020 công nhận kết quả thực hiện đề tài.
Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn, Đề tài đã nghiên cứu đề xuất đổi mới, hoàn thiện các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm nâng cao chất lượng, tính khả thi của quy hoạch sử dụng đất, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phục vụ tốt nhất cho phát triển kinh tế - xã hội, như:
- Nghiên cứu xây dựng bộ chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp có tính đến yếu tố liên vùng và các tác động của biến đổi khí hậu;
- Nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí về kinh tế, xã hội và môi trường để đánh giá hiệu quả của phương án quy hoạch sử dụng đất đối với từng cấp;
- Nghiên cứu đề xuất đổi mới phương pháp luận trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, gồm: Cách tiếp cận lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đổi mới, hoàn thiện căn cứ, nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tham gia của cộng đồng trong việc lập quy hoạch sử dụng đất và công tác công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
- Nghiên cứu xây dựng quy trình, công nghệ xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, gồm: (i) Đổi mới, hoàn thiện các quy trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; (ii) Đề xuất 15 phương pháp lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;
- Nghiên cứu hoàn thiện phần mềm hỗ trợ xây dựng phương án quy hoạch sử dụng đất và ứng dụng GIS, phương pháp phân tích đa chỉ tiêu hỗ trợ lựa chọn phương án quy hoạch sử dụng đất tối ưu đảm bảo quản lý, sử dụng đất hiệu quả, bền vững.
Nhằm đề xuất bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp với tình hình thực tiễn theo đúng tinh thần Nghị quyết của Đảng, trong khuôn khổ bài viết có hạn, chúng tôi xin trích đăng kết quả nghiên cứu của Đề tài BĐKH.09/16-20 về đổi mới nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, gồm: “Đổi mới nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia” và “Đổi mới nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp huyện”, đây là hai trong những kết quả nghiên cứu của Đề tài BĐKH.09/16-20 được trình bày tại các mục 5.3.1.1 và 5.3.3.1 của “BÁO CÁO TỔNG HỢP” kết quả nghiên cứu của Đề tài. Nội dung cụ thể như sau:
5.3.1. Đổi mới nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia
5.3.1.1. Nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia
Quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia là quy hoạch ở cấp vĩ mô, do vậy nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia phải mang tính định hướng, tổng quát và có tầm chiến lược quốc gia; phải đảm bảo tính ổn định và đồng bộ, có tính kế thừa, cân bằng giữa quy hoạch “tĩnh” và quy hoạch “động”. Quy hoạch sử dụng đất quốc gia cần khoanh định và phân bổ nguồn lực đất đai của cả nước theo các khu vực đặc thù để quản lý và khai thác sử dụng có hiệu quả, gồm: Khu vực bảo vệ nghiêm ngặt; Khu vực ổn định mục đích sử dụng (Khu vực tĩnh); Khu vực hạn chế chuyển mục đích sử dụng đất và Khu vực được phép chuyển mục đích sử dụng đất (Khu vực động). Quy hoạch sử dụng đất quốc gia cần phải đảm bảo tính liên vùng trong sử dụng đất để khai thác sử dụng có hiệu quả cao nhất công năng của các công trình hạ tầng (như sân bay, bến cảng, nhà ga, hệ thống giao thông, công trình năng lượng…) các khu công nghiệp, khu đô thị, khu du lịch…
- Khu vực bảo vệ nghiêm ngặt là các khu vực có các loại đất cần bảo vệ nghiêm ngặt, như: đất chuyên trồng lúa nước, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên… khu vực này cần xác định đường ranh giới trên bản đồ quy hoạch và có thể cắm mốc ngoài thực địa. Khu vực này không chuyển mục đích sử dụng đất, trừ trường hợp Quốc hội cho phép để thực hiện các công trình, dự án quốc phòng, an ninh hoặc các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phải theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.
- Khu vực ổn định mục đích sử dụng: Khu vực này sẽ không có hoạt động chuyển mục đích sử dụng đất, chỉ có hoạt động tôn tạo, nâng cấp cải tạo theo đúng loại đất hiện trạng, gồm: khu đô thị cổ; khu di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng; khu công nghiệp, khu chế xuất đã xây dựng xong và được lấp đầy; khu vực đất sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh.
- Khu vực hạn chế chuyển mục đích sử dụng đất: đây là các khu vực đất được phép chuyển mục đích sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt nhưng phải được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cho phép theo quy định của pháp luật đất đai. Gồm đất trồng lúa, đất rừng không thuộc Khu vực bảo vệ nghiêm ngặt.
- Khu vực được phép chuyển mục đích sử dụng đất: Gồm các khu vực không có các loại đất cần bảo vệ nghiêm ngặt hoặc ổn định mục đích sử dụng. Việc chuyển mục đích sử dụng đất ở khu vực này cần phải thực hiện theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.
Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn, nhóm nghiên cứu đề xuất nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia như sau:
a) Phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội
- Phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, các nguồn tài nguyên;
- Phân tích, đánh giá hiện trạng môi trường;
- Phân tích, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội;
- Phân tích, đánh giá về biến đổi khí hậu tác động đến việc sử dụng đất.
b) Phân tích, đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất; kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng.
- Phân tích, đánh giá tình hình thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về đất đai;
- Phân tích, đánh giá hiện trạng sử dụng đất.
- Phân tích, đánh giá biến động sử dụng đất trong 10 năm trước.
- Phân tích, đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất kỳ trước;
c) Phân tích, đánh giá tiềm năng đất đai cho các mục đích nông nghiệp, phi nông nghiệp; xác định định hướng sử dụng đất dài hạn.
- Phân tích, đánh giá chất lượng đất: Các yếu tố thổ nhưỡng, nông hóa; tình trạng ô nhiễm đất; tình trạng hạn hán, sa mạc hóa; tình trạng ngập lụt, nhiễm mặn, nhiễm phèn; tình trạng sạt lở đất…
- Đánh giá tiềm năng đất đai cho các mục đích nông nghiệp.
- Đánh giá tiềm năng đất đai cho các mục đích phi nông nghiệp.
- Xác định định hướng sử dụng đất dài hạn.
d) Xác định phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong kỳ quy hoạch.
- Phương hướng, mục tiêu chung phát triển kinh tế - xã hội trong kỳ quy hoạch.
- Mục tiêu phát triển các ngành, lĩnh vực trong kỳ quy hoạch.
đ) Xác định không gian sử dụng đất cấp quốc gia (chỉ tiêu, diện tích, ranh giới các khu vực) cần bảo vệ nghiêm ngặt nhằm đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh lương thực, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường sinh thái. Gồm diện tích, ranh giới các loại đất: đất chuyên trồng lúa nước, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên.
e) Xác định không gian sử dụng đất cấp quốc gia (chỉ tiêu, diện tích, ranh giới các khu vực hiện hữu) ổn định mục đích sử dụng nhằm bảo tồn, tôn tạo các công trình lịch sử, mang đậm bản sắc dân tộc, như: đô thị cổ, di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng…; đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Gồm: đất quốc phòng, đất an ninh, đất khu công nghiệp, đất khu công nghệ cao, đất khu chế xuất, đất phát triển hạ tầng, đất có di tích lịch sử - văn hóa, đất danh lam thắng cảnh, đất bãi thải, xử lý chất thải, đất khu kinh tế, đất khu đô thị.
g) Xác định chỉ tiêu sử dụng đất cấp quốc gia (có tăng thêm) - các khu vực phát triển mới nhằm đáp ứng nhu cẩu phát triển các ngành, lĩnh vực, gồm: đất quốc phòng, đất an ninh, đất có di tích lịch sử - văn hóa, đất danh lam thắng cảnh, đất khu công nghiệp, đất khu công nghệ cao, đất khu chế xuất, đất phát triển hạ tầng, đất bãi thải, xử lý chất thải, đất khu kinh tế, đất khu đô thị.
Xác định không gian, khoanh định và phân vùng phát triển đô thị trên quy mô toàn quốc; xác định các đô thị trung tâm vùng, như đô thị vùng Hà Nội, đô thị vùng Đà nẵng, đô thị vùng Thành phố Hồ Chí Minh; khoanh định và phân bổ đất đai để đảm bảo các đô thị trung tâm vùng có vai trò lan tỏa, định hướng phát triển các đô thị vệ tinh.
h) Xác định chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất đối với các loại đất (đất trồng lúa, đất rừng) phải xin phép của Quốc hội, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật đất đai để thực hiện các công trình, dự án quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.
i) Xác định diện tích đất chưa sử dụng có thể khai thác đưa vào sử dụng cho các mục đích nông nghiệp, phi nông nghiệp trong kỳ quy hoạch; diện tích, ranh giới các khu vực đất bãi bồi ven biển, ven các đảo, quần đảo, khu lấn biển.
k) Xác định diện tích, cơ cấu và khoanh định không gian sử dụng các chỉ tiêu sử dụng đất cấp quốc gia theo khu chức năng, gồm: Đất khu kinh tế, Đất khu công nghệ cao, Đất đô thị và Đất khu du lịch;
l) Xác định không gian ngầm cấp quốc gia và liên tỉnh, vùng Thủ đô Hà Nội, vùng thành phố Hồ Chí Minh.
m) Tổng hợp, cân đối và phân bổ các chỉ tiêu sử dụng đất cấp quốc gia đến năm định hình quy hoạch cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bao gồm:
- Nhóm đất nông nghiệp: Đất chuyên trồng lúa nước, Đất rừng phòng hộ, Đất rừng đặc dụng, Đất có rừng sản xuất là rừng tự nhiên.
- Nhóm đất phi nông nghiệp: Đất quốc phòng, Đất an ninh, Đất khu công nghiệp, Đất khu chế xuất, Đất phát triển hạ tầng, Đất có di tích lịch sử - văn hóa, Đất danh lam thắng cảnh, Đất bãi thải, xử lý chất thải.
n) Đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường của phương án quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
o) Xây dựng hệ thống bản đồ quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
p) Xác định các giải pháp thực hiện quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
…
5.3.3.1. Nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp huyện
Một trong những yêu cầu đổi mới nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp huyện là phải thay đổi căn bản lối tư duy chỉ thiên về diện tích đất mà bỏ qua các yếu tố về giá trị tính được bằng tiền của đất đai. Thực tế cho thấy các giá trị của đất đai hay giá trị quyền sử dụng đất ngày càng được xem xét đầy đủ hơn về các mặt kinh tế, xã hội, môi trường. Để quy hoạch sử dụng đất cấp huyện trở thành công cụ sắc bén của nhà nước về quản lý đất đai thì phương án quy hoạch sử dụng đất cấp huyện phải tính toán được các chỉ tiêu định lượng như các mặt như: Hiệu quả kinh tế đất đai (như tăng đóng góp vào GDP nhờ tăng năng suất, nhờ chuyển mục đích sử dụng đất, nhờ chuyển đổi, chuyển nhượng, nhờ chuyển bất động sản hay tài sản này trở thành vốn,…). Hiệu quả xã hội (như tạo thêm việc làm, tăng thu nhập dân cư, tạo ra quỹ đất - quỹ nhà giải quyết các vấn đề xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa, chú trọng tới các quan hệ đất đai về phong tục tập quán trong sinh hoạt và sản xuất của các dân tộc, ổn định và phát triển lành mạnh về khai thác, quản lý và sử dụng đất đai của các cộng đồng dân cư,…). Hiệu quả môi trường (như sức tải môi trường bằng các chỉ tiêu hay tiêu chuẩn cho phép, chi phí bù đắp tổn hại môi trường, xử phạt tiền đối với các phương án quy hoạch xâm hại tới môi trường, huy động vốn đóng góp cho khôi phục, phát triển môi trường trong lành và bền vững,…).
- Nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp huyện phải không tách rời chiến lược khai thác quản lý sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường cần được xây dựng trước cho thời kỳ dài hơn quy hoạch; thiếu các nghiên cứu vĩ mô, dài hạn về tài nguyên thiên nhiên, kinh tế, xã hội và môi trường thì phương án quy hoạch sử dụng đất thiếu tính khả thi, dễ bị điều chỉnh. Do vậy, nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp huyện cần tích hợp quy hoạch của các ngành và lĩnh vực có liên quan từ cơ sở dữ liệu tập trung. Việc sử dụng tích hợp quy hoạch chính là giám sát đánh giá tác động môi trường. Một số quy hoạch cần tích hợp, như: quy hoạch phát triển rừng, quy hoạch đa dạng sinh học, quy hoạch biển, quy hoạch hệ thống thủy điện và hồ đập,…
- Để quy hoạch sử dụng đất cấp huyện không dễ bị thay đổi hoặc điều chỉnh chủ quan, đồng thời không tách rời chiến lược khai thác quản lý sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường thì định hướng sử dụng đất phải phù hợp chiến lược khai thác quản lý sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Do vậy, nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp huyện cần định hướng sử dụng đất phù hợp với chiến lược khai thác quản lý sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường hoặc thời tích hợp quy hoạch của các ngành và lĩnh vực có liên quan từ cơ sở dữ liệu tập trung.
- Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện là quy hoạch chi tiết, nội dung phải đảm bảo tính toàn diện, đầy đủ và tính logic, tính hệ thống theo không gian, thời gian của các chỉ tiêu sử dụng đất từ cấp quốc gia đến cấp cơ sở. Do vậy, nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp huyện cần xác định diện tích các loại đất đã được phân bổ trong quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và diện tích các loại đất theo nhu cầu sử dụng đất của cấp huyện và cấp xã; xác định diện tích các loại đất được phép chuyển mục đích sử sụng đất đã được phân bổ trong quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và diện tích các loại đất được phép chuyển mục đích sử sụng đất theo nhu cầu sử dụng đất của cấp huyện và cấp xã.
Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn, nhóm nghiên cứu đề xuất nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp huyện như sau:
a) Phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của huyện.
- Phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, các nguồn tài nguyên;
- Phân tích, đánh giá hiện trạng môi trường;
- Phân tích, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội;
- Phân tích, đánh giá về biến đổi khí hậu tác động đến việc sử dụng đất.
b) Phân tích, đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất; kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất kỳ trước.
- Phân tích, đánh giá tình hình thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về đất đai;
- Phân tích, đánh giá hiện trạng sử dụng đất.
- Phân tích, đánh giá biến động sử dụng đất trong 05 năm trước.
- Phân tích, đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất kỳ trước.
c) Phân tích, đánh giá tiềm năng đất đai cho các mục đích nông nghiệp, phi nông nghiệp; xác định định hướng sử dụng đất dài hạn.
- Phân tích, đánh giá chất lượng đất: Các yếu tố thổ nhưỡng, nông hóa; tình trạng ô nhiễm đất; tình trạng hạn hán, sa mạc hóa; tình trạng ngập lụt, nhiễm mặn, nhiễm phèn; tình trạng sạt lở đất…
- Đánh giá tiềm năng đất đai cho các mục đích nông nghiệp.
- Đánh giá tiềm năng đất đai cho các mục đích phi nông nghiệp.
- Xác định định hướng sử dụng đất dài hạn.
d) Xác định phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong kỳ quy hoạch.
- Phương hướng, mục tiêu chung phát triển kinh tế - xã hội trong kỳ quy hoạch.
- Mục tiêu phát triển các ngành, lĩnh vực trong kỳ quy hoạch.
đ) Xác định chỉ tiêu sử dụng đất đã được quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh khoanh định và phân bổ cho cấp huyện đến từng đơn vị hành chính cấp xã;
e) Xác định vị trí, diện tích khu vực chuyển mục đích sử dụng đất đã được cấp tỉnh phân bổ trên địa bàn cấp huyện đến từng đơn vị hành chính cấp xã, gồm: đất chuyên trồng lúa nước, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, đất rừng sản xuất là rừng trồng, đất nuôi trồng thủy sản, đất trồng cây lâu năm chuyển sang mục đích phi nông nghiệp.
g) Xác định các chỉ tiêu sử dụng đất đến năm định hình quy hoạch theo thẩm quyền cấp huyện, bao gồm:
- Nhóm đất nông nghiệp gồm: Đất trồng cây công nghiệp lâu năm, Đất trồng cây ăn quả lâu năm, Đất nông nghiệp khác; diện tích xác định bổ sung đối với các chỉ tiêu cấp tỉnh phân bổ.
- Nhóm đất phi nông nghiệp gồm: Đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm, Đất phát triển hạ tầng xã hội, Đất phát triển hạ tầng kỹ thuật, Đất chợ, Đất sinh hoạt cộng đồng, Đất khu vui chơi, giải trí công cộng, Đất cơ sở tín ngưỡng, Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối, Đất có mặt nước chuyên dùng, Đất phi nông nghiệp khác.
- Xác định vị trí, diện tích khu vực các loại đất cần chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các công trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cấp huyện và cấp xã;
- Xác định vị trí, diện tích khu vực đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng cho các mục đích nông nghiệp, phi nông nghiệp; diện tích, ranh giới các khu vực đất bãi bồi ven biển, ven các đảo, quần đảo, khu lấn biển.
h) Xác định vị trí, diện tích đất vùng phụ cận các công trình, dự án hạ tầng kỹ thuật, xây dựng, chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn để thu hồi, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án nhà ở, thương mại, dịch vụ, sản xuất, kinh doanh.
i) Xác định vị trí, diện tích đất để thực hiện công trình, dự án sản xuất, kinh doanh không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất mà chủ đầu tư được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
k) Xác định diện tích, cơ cấu và khoanh định không gian sử dụng các chỉ tiêu sử dụng đất cấp tỉnh theo khu chức năng, gồm: Khu chuyên trồng lúa nước, Khu chuyên trồng cây công nghiệp lâu năm, Khu chuyên trồng cây ăn quả lâu năm, Khu phát triển công nghiệp, Khu đô thị - thương mại - dịch vụ, Khu làng nghề - sản xuất phi nông nghiệp nông thôn.
l) Xác định các dự án khu đô thị mới; xác định chỉ tiêu đất ở và các công trình, dự án trong khu đô thị mới đến từng thửa đất theo hồ sơ địa chính làm cơ sở để quy hoạch chi tiết các khu chức năng trong các dự án đô thị mới.
m) Xác định chỉ tiêu sử dụng đất trong kỳ quy hoạch đối với không gian ngầm tại khu trung tâm thương mại dịch vụ tập trung, khu trung tâm hành chính, khu kết cấu hạ tầng tập trung trên địa bàn huyện.
n) Xác định diện tích, ranh giới các khu vực đất bãi bồi ven biển, ven các đảo, quần đảo, khu lấn biển.
o) Tổng hợp, phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất trên địa bàn huyện đến từng đơn vị hành chính cấp xã.
p) Xây dựng hệ thống bản đồ quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.
q) Xác định các giải pháp thực hiện quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Đề tài cấp quốc gia “Nghiên cứu cơ sở khoa học, đề xuất đổi mới phương pháp luận và ứng dụng công nghệ trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm góp phần quản lý, sử dụng tài nguyên đất hiệu quả, bền vững" đã được Hội đồng nghiệm thu cấp quốc gia đánh giá nghiệm thu vào tháng 12 năm 2019, bài viết đã đề xuất đổi mới, hoàn thiện nội dung quy hoạch sử dụng đất nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn, gồm: “Đổi mới nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia” và “Đổi mới nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp huyện”.
Với mong muốn nâng cao chất lượng, tính khả thi của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phục vụ tốt nhất cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, chúng tôi đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan chức năng sử dụng các kết quả nghiên cứu trên đây để tiếp tục đổi mới, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong quá trình rà soát bổ sung, hoàn thiện pháp luật đất đai./.
Nguyễn Đắc Nhẫn