Đề tài “Nghiên cứu đề xuất định hướng đổi mới, hoàn thiện cấu trúc của Luật Đất đai nhằm sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và tiến tới xây dựng Bộ Luật Đất đai” là một trong các đề tài đóng góp sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 của Tổng cục Quản lý đất đai thực hiện từ năm 2021.
Ngày 20/6/2022, Tổng cục Quản lý đất đai đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu cấp Tổng cục kết quả thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Bộ giao trực tiếp năm 2021, mã số TNMT.2021.01.06, đề tài “Nghiên cứu đề xuất định hướng đổi mới, hoàn thiện cấu trúc của Luật Đất đai nhằm sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và tiến tới xây dựng Bộ Luật Đất đai”, mã số TNMT. 2021.01.06, do Thạc sỹ Nguyễn Ngọc Tuyến, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục Quản lý đất đai làm chủ nhiệm đề tài, Viện Nghiên cứu quản lý đất đai là Tổ chức chủ trì thực hiện.
Toàn cảnh họp Hội đồng nghiệm thu cấp Tổng cục
Hội đồng nghiệm thu do Tiến sỹ Mai Văn Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai là Chủ tịch Hội đồng, Tiến sỹ Lưu Văn Năng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Quản lý đất đai là Phó Chủ tịch Hội đồng; Tiến sỹ Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Khoa Pháp luật Kinh tế, Trường Đại học Luật Hà Nội và Tiến sỹ Nguyễn Văn Trị, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát quản lý và sử dụng đất đai, Tổng cục Quản lý đất đai là Ủy viên phản biện; Và các Ủy viên Hội đồng gồm: Tiến sỹ Nguyễn Đình Bồng, Phó Chủ tịch Hội khoa học đất Việt Nam; Tiến sỹ Phạm Anh Tuấn, Trưởng khoa Khoa Quản lý đất đai, trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội; Thạc sỹ Nguyễn Thị Oanh Thơ, Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường; TS. Đào Đức Mẫn, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý đất đai; Thạc sỹ Lâm Minh Cử, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính; Thạc sỹ Nguyễn Thị Lơ, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất; Thạc sỹ Trịnh Quốc Huy, Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Quản lý đất đai.
Tham dự họp Hội đồng, ngoài các thành viên Hội đồng còn có đại diện đơn vị nhận chuyển giao kết quả nghiên cứu của đề tài là Vụ Chính sách và Pháp chế, đại diện Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Quản lý đất đai; Viện Nghiên cứu quản lý đất đai cùng các thành viên trong Nhóm nghiên cứu đề tài.
Chủ nhiệm đề tài thay mặt Nhóm nghiên cứu báo cáo kết quả các nội dung nghiên cứu của đề tài đã hoàn thành, đáp ứng được tiến độ và mục tiêu của đề tài là xác định cơ sở khoa học xây dựng khung cấu trúc Luật Đất đai; đề xuất hoàn thiện khung cấu trúc của Luật Đất đai 2013; đề xuất khung cấu trúc dự kiến của Bộ Luật Đất đai. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã đã đạt được gồm:
1. Đề tài đã tìm kiếm, tiếp cận và tìm hiểu 32 công trình nghiên cứu nước ngoài và 32 công trình nghiên cứu trong nước có liên quan đến nội dung nghiên cứu của đề tài. Các công trình nghiên cứu có liên quan chủ yếu đề cập, phản ánh là những khía cạnh riêng lẻ về các chủ đề của pháp luật đất đai, chưa có công trình nào nghiên cứu một cách tổng quan và trên diện rộng về cấu trúc của Luật Đất đai. Tuy nhiên, các công trình nêu trên cũng đã góp phần nghiên cứu các nội dung cụ thể thuộc nội dung nghiên cứu của Đề tài.
2. Cơ sở khoa học về cấu trúc của Luật Đất đai và Bộ Luật đất đai:
- Làm rõ khái niệm, nguyên tắc, hình thức của việc xây dựng pháp luật, khái quát về pháp luật và hình thức pháp luật, hệ thống pháp luật, cung cấp cơ sở lý luận và kinh nghiệm quốc tế trong việc hoàn thành các báo cáo phục vụ xây dựng hồ sơ dự án Luật Đất đai và tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31 tháng 10 năm 2012 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Kết quả nghiên cứu đề tài cũng góp phần đưa ra nhiều luận cứ khoa học phục vụ cho việc xây dựng các báo cáo trong quá trình quản lý Nhà nước về đất đai.
- Tổng kết cấu trúc của các luật, bộ luật của một số nước trên thế giới thuộc hệ thống Thông luật, hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa, hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa chuyển đổi và cấu trúc luật bộ luật liên quan đến đất đai của hệ thống các nước Đông Á và Đông Nam Á từ đó rút ra bài học kinh nghiệm có thể áp dụng cho Việt Nam trong việc xây dựng khung cấu trúc của Luật Đất đai sửa đổi và Bộ Luật Đất đai, là căn cứ để đề xuất việc chuyển Chương quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất lên sau Chương II; thay đổi về phân loại đất và chế độ sử dụng các loại đất tại Chương IV của Dự thảo trong dự thảo khung cấu trúc của Luật Đất đai sửa đổi.
- Hệ thống hóa cấu trúc về nội dung và hình thức của Luật Đất đai các năm 1987, 1993, 2003 và năm 2013; hệ thống hóa cấu trúc của một số Bộ luật như Bộ luật Dân sự năm 2015; Bộ luật Lao Động năm 2019 và Bộ luật Hàng hải năm 2015.
- Thực trạng cấu trúc quyền sử dụng đất tại Việt Nam và sự ảnh hưởng đến cấu trúc của Luật Đất đai và Bộ Luật Đất đai, trong đó làm rõ quan niệm về quyền sử dụng đất tại Việt Nam, quan niệm của một số quốc gia về các quyền tài sản gắn liền với đất và thực trạng cấu trúc của Luật Đất đai về quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác gắn liền với đất.
3. Qua đánh giá cấu trúc và mối quan hệ hữu cơ giữa Luật Đất đai hiện hành và các luật, bộ luật có liên quan: Kết quả đã rà soát được 112 luật, bộ luật có mối quan hệ tương hỗ, bổ trợ với Luật Đất đai trong đó: Có 88 Luật có nội dung quy phạm pháp luật về đất đai; Có 24 Luật không có nội dung quy phạm pháp luật đất đai song có ảnh hưởng đến quá trình quản lý, sử dụng đất đai; Có 22 trong tổng số 112 Luật có nội dung vướng mắc, chồng chéo với Luật Đất đai. Kết quả rà soát nêu trên đã phục vụ hoàn thiện hồ sơ xây dựng Luật Đất đai và phục vụ các báo cáo rà soát của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thời gian qua theo chỉ đạo của Chính phủ về rà soát mâu thuẫn chồng chéo với Luật Đất đai. Đồng thời kết quả về số liệu rà soát cũng được tham khảo và sử dụng làm trong Hồ sơ dự án Luật Đất đai, Hồ sơ tổng kết Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31 tháng 10 năm 2012 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
4. Đề xuất khung cấu trúc của Luật Đất đai sửa đổi: Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 254 điều được bố cục dự kiến thành 17 chương. So với Luật Đất đai năm 2013, dự thảo Luật tăng 03 chương và 42 điều (trong đó giữ nguyên 72 điều, sửa đổi 132 điều, bãi bỏ 04 Điều và bổ sung 54 điều), theo đó bổ sung thêm 01 chương quy định về phát triển quỹ đất, 01 chương về tổ chức thi hành Luật Đất đai (bao gồm cả trách nhiệm tổ chức thi hành Luật đất đai và xử lý trách nhiệm củ a cơ quan, người có thẩm quyền trong tổ chức thi hành Luật Đất đai); tách chương thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành 02 chương. Các chương được sắp xếp, bố cục lại cho phù hợp, cụ thể: chuyển Chương quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất (chương XI Luật 2013), phân loại đất và chế độ sử dụng các loại đất (chương X Luật 2013) lên ngay sau Chương II (quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai); các chương còn lại được sắp xếp theo bước trong chu trình giao đất, cho thuê đất: điều tra, quy hoạch, thu hồi, bồi thường, giao đất, cho thuê đất, phát triển quỹ đất, tài chính đất đai, đăng ký, cấp GCN, cơ sở dữ liệu, TTHC, giám sát thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tổ chức thi hành Luật... Việc đưa Chương Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất lên ngay sau Chương Quyền và trách nhiệm của Nhà nước, công dân đối với đất đai thể hiện sự coi trọng hơn vị trí của người sử dụng đất trong quan hệ đất đai. Việc bổ sung một chương quy định về Phát triển quỹ đất để nhằm thể chế Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII “Phát triển thị trường, đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất, tăng cường đăng ký quyền sử dụng đất và áp dụng định giá đất theo thị trường bảo đảm công khai, minh bạch”. Việc bổ sung một chương quy định về tổ chức thi hành Luật Đất đai nhằm làm rõ hơn trách nhiệm tổ chức thi hành Luật đất đai của cơ quan, người có thẩm quyền trong tổ chức thi hành Luật Đất đai bảo đảm cho Luật đất đai được thực hiện đúng, đầy đủ, rõ trách nhiệm của các bên.”
5. Đề xuất khung cấu trúc của Bộ Luật Đất đai: được bố cục dự kiến gồm 5 phần, 33 chương, 655 điều. Phần thứ nhất những quy định chung gồm 2 chương Quy định chung và Quan hệ pháp luật đất đai; Phần thứ 2- chế độ sở hữu toàn dân về đất đai gồm 8 chương: Quy định chung; Quyền và trách nhiệm của nhà nước đối với đất đai; Quyền và nghĩa vụ của tổ chức trong nước sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; Quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có quan hệ với yếu tố nước ngoài; Hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất; Quyền địa dịch; Quyền tài sản khác gắn liền với đất. Phần thứ ba- chế độ sử dụng các loại đất, gồm 11 chương: Quy định chung; Chế độ sử dụng đất nông nghiệp; Chế độ sử dụng đất lâm nghiệp; Chế độ sử dụng đất ở tại đô thị và nông thôn; Chế độ sử dụng đất công nghiệp, sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ; Chế độ sử dụng đất công cộng; Chế độ sử dụng đất văn hoá, du lịch; Chế độ sử dụng đất có mặt nước; Chế độ sử dụng đất ngầm, không gian trên không; Chế độ sử dụng đất dự trữ; Chế độ sử dụng đất khu vực đặc biệt. Phần thứ tư - Chế độ quản lý nhà nước về đất đai, gồm 13 chương: Địa giới hành chính; Điều tra cơ bản về đất đai; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Thu hồi đất, trưng dụng đất; Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Phát triển quỹ đất; Tài chính về đất đai, giá đất; Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; Hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai; Thủ tục hành chính và dịch vụ về đất đai; Giám sát, thanh tra, kiểm tra giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo; Trách nhiệm pháp lý và xử lý vi phạm pháp luật đất đai. Phần thứ năm - Điều khoản thi hành.
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Đề tài, nhóm nghiên cứu kiến nghị Tổng cục Quản lý đất đai và Bộ Tài nguyên và Môi trường: Thứ nhất, ứng dụng để từng bước hoàn đổi mới, thiện cấu trúc của Luật Đất đai 2013. Đặc biệt cần nghiên cứu mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Đất đai; các quyền tài sản gắn liền với đất như vốn đầu tư, dự án đầu tư, tài sản gắn liền với đất là nhà ở, công trình xây dựng, rừng cây, các quyền khác đối với tài sản cũng cần phải được ghi nhận và quy định trong Luật Đất đai để đảm bảo tính thống nhất; ghi nhận và mở rộng hơn các quyền tài sản gắn liền với đất dưới góc độ kinh tế bất động sản để phát huy tối đa nguồn lực đất đai; Thứ hai, cần xây dựng và thực hiện chương trình nghiên cứu khoa học đầy đủ, toàn diện cho việc xây dựng Bộ Luật đất đai trong thời gian tới.
Sản phẩm của đề tài ngoài các sản phẩm báo cáo tổng hợp, báo cáo tóm tắt, các báo cáo khoa học còn có 01 bài báo “Bản chất quyền sử dụng đất tại Việt Nam và sự ảnh hưởng đến cấu trúc của Luật Đất đai” đăng trên Tạp chí Luật học.
Hội đồng đánh giá các sản phẩm của đề tài bảo đảm chất lượng theo đúng yêu cầu khoa học cần đạt được đối với từng sản phẩm theo các mục tiêu đặt ra. Kết quả nghiên cứu của đề tài có giá trị khoa học và thực tiễn vào việc phát triển lý thuyết, lý luận về pháp luật đất đai, là cơ sở để đề xuất hoàn thiện khung cấu trúc của Luật Đất đai 2013 (sửa đổi), tiến tới xây dựng Bộ luật Đất đai. Cụ thể: Kết quả nghiên cứu đã trình bày về những luận cứ khoa học, có cơ sở lý luận và thực tiễn cụ thể giải đáp những vấn đề nghiên cứu đặt ra, phản ánh kết quả nhiệm vụ phù hợp với thông lệ chung trong hoạt động nghiên cứu khoa học của đề tài. Kết quả nghiên cứu cũng đã thể hiện đầy đủ mục tiêu và nội dung nghiên cứu, làm rõ được cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng khung cấu trúc Luật Đất đai; rà soát đánh giá trong hệ thống pháp luật gồm các luật có liên quan đến Luật Đất đai, các luật có chứa đựng quy phạm pháp luật đất đai, các luật có ảnh hưởng đến pháp luật đất đai; đề xuất được dự thảo khung cấu trúc của Luật Đất đai (sửa đổi) và dự thảo khung cấu trúc của Bộ luật Đất đai. Các thông tin, số liệu, tài liệu và các nhận định, phân tích đánh giá đáp ứng đầy đủ các mục tiêu nghiên cứu; các nguồn tài liệu, tư liệu tham khảo được sử dụng, đưa vào các báo cáo đảm bảo có tính khoa học, pháp lý và thực tiễn. Khả năng ứng dụng và mức độ sẵn sàng chuyển giao kết quả nghiên cứu là khả thi; các kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao từng phần cho đơn vị thụ hưởng tiếp nhận và ứng dụng trong quá trình sửa đổi bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai; kết quả nghiên cứu có giá trị về mặt thực tiễn, đáp ứng kịp thời yêu cầu phục vụ xây dựng dự án Luật Đất đai theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường trong giai đoạn hiện nay.
Các thành viên Hội đồng đã bỏ phiếu đánh giá xếp loại kết quả thực hiện đề tài theo mẫu tại 26/2018/TT-BTNMT ngày 14/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hội đồng thảo luận thống nhất những điểm cần sửa chữa, bổ sung trong báo cáo tổng hợp, các sản phẩm của đề tài và đề nghị chủ nhiệm đề tài cùng nhóm nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm theo đúng quy định. Đề tài được Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu cấp quốc gia nhất trí nghiệm thu xếp loại khá./.
Hà Thanh