Quang cảnh Hội đồng họp trực tuyến
Trong khuôn khổ thực hiện Chương trình KH&CN cấp Bộ về lĩnh vực Quản lý đất đai giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện Quyết định số 2130/QĐ-BTNMT ngày 01 tháng 11 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc thành lập Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu đề tài khoa học và công nghệ kết thúc năm 2021 lĩnh vực đất đai, Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp bộ đã tổ chức họp (trực tuyến) để tư vấn đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài cấp bộ “Nghiên cứu cơ sở khoa học đề xuất mô hình ngân hàng quỹ đất nông nghiệp tại Việt Nam”, mã số TNMT.2018.01.08, do ThS. Đàm Thị Mai Oanh làm chủ nhiệm đề tài, Viện Nghiên cứu quản lý đất đai là Cơ quan chủ trì thực hiện.
Hội đồng nghiệm thu do TS. Trần Bình Trọng - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường là Chủ tịch Hội đồng; TS. Mai Văn Phấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai là Phó chủ tịch; PGS.TS. Ngô Thị Phương Thảo - Đại học Kinh tế quốc dân và ThS. Lê Văn Bình - Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất là Uỷ viên phản biện; các Ủy viên Hội đồng gồm: TS. Lê Văn Hữu - Bộ Tài nguyên và Môi trường, PGS.TS. Cao Việt Hà - Học viện Nông nghiệp Việt Nam, TS. Đoàn Ngọc Phương - Tổng cục Quản lý đất đai, TS. Nguyễn Thị Hải Yến - Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, ThS. Nguyễn Thị Oanh Thơ - Vụ Khoa học và Công nghệ.
Tham dự họp Hội đồng, ngoài các thành viên Hội đồng còn có đại diện Lãnh đạo Viện Nghiên cứu quản lý đất đai - Cơ quan chủ trì thực hiện đề tài; đại diện các đơn vị như: Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế (Tổng cục Quản lý đất đai), Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất - Cơ quan thụ hưởng kết quả nghiên cứu của đề tài cùng các thành viên trong nhóm nghiên cứu đề tài.
Chủ nhiệm đề tài thay mặt Nhóm nghiên cứu báo cáo kết quả các nội dung nghiên cứu của đề tài đã hoàn thành nội dung nghiên cứu, đáp ứng được tiến độ và mục tiêu của đề tài.
Mục tiêu của đề tài: làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc đề xuất mô hình ngân hàng quỹ đất nông nghiệp và Đề xuất mô hình ngân hàng quỹ đất nông nghiệp tại Việt Nam để sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp.
Nội dung nghiên cứu chính của đề tài: Nghiên cứu cơ sở lý luận cho việc đề xuất mô hình ngân hàng quỹ đất nông nghiệp; Nghiên cứu cơ sở thực tiễn cho việc đề xuất mô hình ngân hàng quỹ đất nông nghiệp; Đề xuất mô hình ngân hàng quỹ đất nông nghiệp; Đề xuất khung pháp lý cho mô hình ngân hàng quỹ đất nông nghiệp tại Việt Nam
Kết quả nghiên cứu của đề tài đã góp phần bổ sung, hoàn thiện cơ sở lý luận có liên quan đến mô hình Ngân hàng Quỹ đất nông nghiệp (trong đó có làm rõ một số khái niệm có liên quan; vai trò, ý nghĩa, đặc thù, nguyên tắc, yêu cầu, những yếu tố ảnh hưởng và mối quan hệ giữa Nhà nước và mô hình Ngân hàng Quỹ đất nông nghiệp); tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước; kinh nghiệm của nước ngoài có liên quan đến mô hình Ngân hàng Quỹ đất nông nghiệp…); làm rõ cơ sở thực tiễn cho việc đề xuất mô hình Ngân hàng Quỹ đất nông nghiệp (Khái quát về tổ chức, hoạt động của Trung tâm Phát triển quỹ đất, Quỹ phát triển đất; Thực trạng quản lý, sử dụng đất nông nghiệp có liên quan đến mô hình Ngân hàng Quỹ đất nông nghiệp đồng thời đã đề xuất mô hình Ngân hàng Quỹ đất nông nghiệp (Đề xuất hình thức và tổ chức, bộ máy; cơ chế hoạt động; khung pháp lý và giải pháp cho mô hình Ngân hàng Quỹ đất nông nghiệp).
Đề tài đã đề xuất Ngân hàng Quỹ đất nông nghiệp là 1 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công ích trực thuộc Trung tâm Phát triển quỹ đất. Đối với phương án này, địa phương giữ vai trò chủ đạo, Trung ương hỗ trợ và giám sát việc thực hiện, từng cấp (Trung ương, tỉnh, huyện) sẽ có các bộ phận quản lý, thực hiện với các chức năng, nhiệm vụ khác nhau của Ngân hàng Quỹ đất nông nghiệp.
Về cơ chế hoạt động: Theo phân cấp chức năng, nhiệm vụ hiện nay, Phòng Bồi thường và Phát triển quỹ đất thuộc Cục Kinh tế và Phát triển quỹ đất sẽ bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ cho để quản lý chung các giao dịch về đất nông nghiệp của NHQĐNN. Phòng này quản lý chung về hoạt động của NHQĐNN. NHQĐNN là 1 đơn vị trực thuộc Tổ chức PTQĐ, có tư cách pháp nhân, hoạt động theo hình thức tự chủ một phần. Các địa phương căn cứ vào văn hóa, đặc thù, tình hình thực tế và nhu cầu để thành lập NHQĐNN.
Ngân hàng có chức năng tạo lập, phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất nông nghiệp; nhận thuê, cho thuê; là trung gian thực hiện các giao dịch khác về đất nông nghiệp (chuyển nhượng và nhận góp vốn bằng QSDĐ nông nghiệp; thuê đất công ích của UBND xã; chuyển đổi QSDĐ). Dự kiến bố trí nhân lực để hoạt động mô hình NHQĐNN của cả nước là từ 6.295 - 8.856 người; trong đó: 6 - 9 công chức; 504 viên chức và 5.658 - 8.091 cán bộ hợp đồng.
Sau khi Chủ nhiệm đề tài trình bày tóm tắt quá trình tổ chức thực hiện đề tài, kết quả, sản phẩm khoa học và công nghệ đề tài, các thành viên Hội đồng nêu câu hỏi đối với chủ nhiệm đề tài. Chủ nhiệm đề tài và nhóm nghiên cứu trả lời các câu hỏi của Hội đồng. Hội đồng đã nghe các báo cáo phản biện, nhận xét của thành viên Hội đồng và các đại biểu tham dự họp.
Các thành viên Hội đồng đã bỏ phiếu đánh giá xếp loại kết quả thực hiện đề tài theo quy định tại Thông tư 26/2018/TT-BTNMT ngày 14 tháng 12 năm 2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ; Hội đồng thảo luận thống nhất những nội dung cần sửa chữa, bổ sung trong báo cáo tổng hợp, các sản phẩm của đề tài và đề nghị chủ nhiệm đề tài cùng nhóm nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm theo đúng quy định. Đề tài được Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu cấp cơ sở xếp loại Đạt và thống nhất đề nghị nhóm nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ, sản phẩm để giao nộp theo đúng quy định./.
Minh Đức