“Quy hoạch sử dụng đất là việc phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế - xã hội và đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định” (Khoản 2 Điều 3 Luật Đất đai 2013). Từ khi Luật đất đai đầu tiên ra đời (Luật Đất đai 1987) đến nay, các quy định về công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất luôn được đổi mới, hoàn thiện cùng với quá trình đổi mới hoàn thiện của Luật Đất đai nhằm phù hợp và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước qua từng thời kỳ. Tuy nhiên, trong tình hình mới hiện nay, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn một số bất cập, như: chất lượng và hiệu quả của phương án quy hoạch sử dụng đất chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu thực tiễn; quy hoạch sử dụng đất chưa phát huy được vai trò vừa mang tính tích hợp, vừa mang tính điều phối đất đai cho các ngành, lĩnh vực; chưa đủ mạnh để là quy hoạch nền cho các ngành, lĩnh vực lập quy hoạch, kế hoạch phát triển. Nguyên nhân của những tồn tại này là do sự chưa đầy đủ, phù hợp về phương pháp luận trong lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, như: cách tiếp cận, căn cứ lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa đầy đủ; tính liên kết vùng, thế mạnh, lợi thế so sánh của từng địa phương chưa được nghiên cứu, thể hiện rõ nét trong quy hoạch sử dụng đất.
Xuất phát từ những lý do trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã quyết định thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước:
“Nghiên cứu cơ sở khoa học, đề xuất đổi mới phương pháp luận và ứng dụng công nghệ trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm góp phần quản lý, sử dụng tài nguyên đất hiệu quả, bền vững”, thuộc chương trình “Khoa học và công nghệ ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016 - 2020”. Chủ nhiệm Đề tài là Tiến sỹ Nguyễn Đắc Nhẫn, cơ quan chủ trì thực hiện Đề tài là Viện Nghiên cứu quản lý đất đai. Đề tài là một công trình nghiên cứu khoa học hoàn thiện phương pháp luận trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bao gồm: Cách tiếp cận trong lập quy hoạch sử dụng đất; tính liên kết vùng trong quy hoạch sử dụng đất; căn cứ lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tham gia của cộng đồng trong việc lập quy hoạch sử dụng đất và công tác công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp; phương pháp, công nghệ trong lập quy hoạch sử dụng đất.
Một trong các kết quả nghiên cứu của đề tài là đề xuất đổi mới, hoàn thiện các quy trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (gồm 13 quy trình), trong đó có quy trình “Lập phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện”, gọi tắt là
quy trình “Lập phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai cấp tỉnh” (để tích hợp vào quy hoạch tỉnh).
Theo quy định của Luật Quy hoạch, quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh không xây dựng độc lập mà được tích hợp vào quy hoạch tỉnh với nội dung quan trọng là “phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện” (Điểm l Khoản 2 Điều 27 Luật Quy hoạch), gọi tắt
“phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai cấp tỉnh”. Nội hàm của “phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai cấp tỉnh” chính là phương án quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh. Như vậy, trong nội dung quy hoạch tỉnh phải thể hiện được nội dung phương án quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh để phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện đảm bảo vừa chi tiết một bước quy hoạch sử dụng đất quốc gia, vừa đảm bảo vai trò trung gian để lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.
Theo quy định của Luật Đất đai hiện hành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện trong quy hoạch tỉnh; Cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh có trách nhiệm lập phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện trong quy hoạch tỉnh (
theo Điều 42 Luật Đất đai đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 1 Điều 6 Luật số 35/2018/QH14 - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch). Do vậy, một trong những kết quả nghiên cứu của Đề tài đã đạt được là đề xuất
quy trình “Lập phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai cấp tỉnh” (để tích hợp vào quy hoạch tỉnh) có ý nghĩa thiết thực trong công tác lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030.
Với hy vọng giúp các cơ quan chuyên môn, các địa phương tham khảo áp dụng kết quả nghiên cứu của Đề tài vào công tác xây dựng
“phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện” để tích hợp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, trong bài viết này chúng tôi xin trích giới thiệu quy trình “Lập phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai cấp tỉnh”, cụ thể như sau:
* Quy trình “Lập phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện”, gọi tắt là quy trình “Lập phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai cấp tỉnh”
Một số khâu công việc trong quá trình lập phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai cấp tỉnh được thực hiện chung trong quá trình lập Quy hoạch tỉnh nên Quy trình này chỉ gồm 06 hạng mục đặc thù, có tính chất chuyên ngành như sau:
(1). Điều tra, thu thập các thông tin, tài liệu.
(2). Phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và môi trường tác động đến việc sử dụng đất; tình hình quản lý, sử dụng đất; kết quả thực hiện các chỉ tiêu sử dụng đất trong kỳ quy hoạch trước.
(3). Đánh giá tiềm năng đất đai và xây dựng định hướng sử dụng đất cho tầm nhìn 20 năm.
(4). Xây dựng phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai cấp tỉnh.
(5). Xây dựng báo cáo thuyết minh; hoàn thiện hệ thống bảng biểu số liệu và hệ thống bản đồ.
(6). Thẩm định và chuyển giao phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai cấp tỉnh để tích hợp vào quy hoạch tỉnh.
Sơ đồ 6.2. Quy trình lập phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai cấp tỉnh
Nội dung của từng hạng mục công việc như sau:
Hạng mục 1. Điều tra, thu thập các thông tin, tài liệu.
1. Thu thập các thông tin, tài liệu có liên quan đến việc lập phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai cấp tỉnh từ Cơ quan được giao lập quy hoạch tỉnh, gồm:
a) Báo cáo kết quả thu thập và xử lý tài liệu, số liệu; nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực và của cấp huyện.
b) Kết quả phân tích, đánh giá, dự báo về các yếu tố, điều kiện phát triển đặc thù của địa phương.
c) Kết quả đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội, hiện trạng hệ thống đô thị và nông thôn.
d) Định hướng về quan điểm và mục tiêu phát triển tỉnh; phương hướng phát triển các ngành quan trọng trên địa bàn tỉnh.
đ) Phương án bố trí không gian các công trình, dự án quan trọng, các vùng bảo tồn đã được xác định ở quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch cấp vùng trên địa bàn tỉnh; dự thảo phương án kết nối hệ thống hạ tầng của tỉnh với hệ thống hạ tầng quốc gia và vùng; dự thảo phương án tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường ở cấp tỉnh, liên huyện.
2. Tổng hợp, phân tích, đánh giá nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực và của cấp huyện.
3. Điều tra, khảo sát thực địa
a) Xác định những nội dung cần điều tra khảo sát thực địa; xây dựng kế hoạch khảo sát thực địa;
b) Điều tra, khảo sát thực địa;
c) Chỉnh lý bổ sung thông tin, tài liệu trên cơ sở kết quả điều tra, khảo sát thực địa.
4. Tổng hợp, xử lý các thông tin, tài liệu.
5. Xây dựng báo cáo chuyên đề về kết quả điều tra, thu thập các thông tin, tài liệu.
6. Hội thảo; chỉnh sửa, hoàn thiện báo cáo chuyên đề sau hội thảo.
7. Đánh giá, nghiệm thu Hạng mục 1.
Hạng mục 2. Phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và môi trường tác động đến việc sử dụng đất; tình hình quản lý, sử dụng đất; kết quả thực hiện các chỉ tiêu sử dụng đất trong kỳ quy hoạch trước.
1. Phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, các nguồn tài nguyên và môi trường có tác động đến việc sử dụng đất;
2. Phân tích, đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội có tác động đến việc sử dụng đất;
3. Phân tích, đánh giá về biến đổi khí hậu tác động đến việc sử dụng đất, gồm: Nước biển dâng, xâm nhập mặn, sa mạc hóa, xói mòn, sạt lở đất.
4. Phân tích, đánh giá tình hình thực hiện một số nội dung quản lý nhà nước về đất đai liên quan đến việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất.
5. Phân tích, đánh giá hiện trạng và biến động sử dụng đất theo từng loại đất trong 10 năm trước.
6. Phân tích, đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu sử dụng đất trong kỳ quy hoạch trước.
7. Lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất phục vụ quy hoạch sử dụng đất.
8. Xây dựng các báo cáo chuyên đề.
9. Hội thảo và chỉnh sửa báo cáo chuyên đề, bản đồ sau hội thảo.
10. Đánh giá, nghiệm thu Hạng mục 2.
Hạng mục 3. Đánh giá tiềm năng đất đai và xây dựng định hướng sử dụng đất cho tầm nhìn 20 năm.
1. Đánh giá tiềm năng đất đai:
a) Phân tích, đánh giá tiềm năng đất đai cho lĩnh vực nông nghiệp;
b) Phân tích, đánh giá tiềm năng đất đai cho lĩnh vực phi nông nghiệp.
2. Xây dựng định hướng sử dụng đất:
a) Khái quát phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội;
b) Xây dựng quan điểm sử dụng đất;
c) Xây dựng định hướng sử dụng đất cho lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp; định hướng sử dụng đất theo khu chức năng.
3. Lập bản đồ tiềm năng đất đai và bản đồ định hướng sử dụng đất.
4. Xây dựng các báo cáo chuyên đề.
5. Hội thảo và chỉnh sửa báo cáo chuyên đề, bản đồ sau hội thảo.
6. Đánh giá, nghiệm thu Hạng mục 3.
Hạng mục 4. Xây dựng phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai cấp tỉnh.
1. Xác định các chỉ tiêu sử dụng đất đã được quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia phân bổ cho cấp tỉnh đến từng đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm:
- Chỉ tiêu sử dụng đất cấp quốc gia cần bảo vệ nghiêm ngặt nhằm đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh lương thực, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường sinh thái. Gồm diện tích, ranh giới các loại đất: đất chuyên trồng lúa nước, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên.
- Chỉ tiêu sử dụng đất cấp quốc gia ổn định mục đích sử dụng nhằm bảo tồn, tôn tạo các công trình lịch sử, mang đậm bản sắc dân tộc, như: đô thị cổ, di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng…; đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Gồm diện tích, ranh giới các loại đất: đất có di tích lịch sử - văn hóa, đất danh lam thắng cảnh, đất khu công nghiệp, đất khu chế xuất, đất quốc phòng, đất an ninh.
- Các chỉ tiêu sử dụng đất cấp quốc gia (có tăng thêm) nhằm đáp ứng nhu cẩu phát triển các ngành, lĩnh vực, gồm: đất quốc phòng, đất an ninh, đất có di tích lịch sử - văn hóa, đất danh lam thắng cảnh, đất khu công nghiệp, đất khu chế xuất, đất phát triển hạ tầng và đất bãi thải, xử lý chất thải.
- Chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất đối với các loại đất (đất trồng lúa, đất rừng) phải xin phép của Quốc hội, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật đất đai để thực hiện các công trình, dự án quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.
- Diện tích đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng cho các mục đích nông nghiệp, phi nông nghiệp trong kỳ quy hoạch.
2. Xác định các chỉ tiêu sử dụng đất trong kỳ quy hoạch theo thẩm quyền cấp tỉnh, bao gồm:
a) Nhóm đất nông nghiệp gồm: Đất trồng lúa, Đất trồng cây hàng năm khác, Đất trồng cây lâu năm, Đất nuôi trồng thủy sản, Đất làm muối; xác định bổ sung diện tích các loại đất nông nghiệp đối với các chỉ tiêu quốc gia phân bổ (nếu có).
b) Nhóm đất phi nông nghiệp gồm: Đất cụm công nghiệp, Đất thương mại, dịch vụ, Đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp, Đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản, Đất ở tại nông thôn, Đất ở tại đô thị, Đất xây dựng trụ sở cơ quan, Đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp, Đất xây dựng cơ sở ngoại giao, Đất cơ sở tôn giáo, Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng.
c) Diện tích đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng cho các mục đích nông nghiệp, phi nông nghiệp trong kỳ kế hoạch (ngoài diện tích quốc gia phân bổ).
d) Chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất đối với các loại đất (đất trồng lúa, đất rừng) phải xin phép của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật đất đai để thực hiện các công trình, dự án quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.
đ) Chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất đối với các loại đất (trừ các loại đất phải xin phép của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh) để đáp ứng yêu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực.
e) Các chỉ tiêu sử dụng đất cấp tỉnh theo không gian sử dụng, bao gồm:
- Diện tích, cơ cấu các chỉ tiêu sử dụng đất theo khu chức năng, gồm: Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Khu lâm nghiệp, Khu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, Khu đất ngập nước, Khu thương mại - dịch vụ, Khu dân cư nông thôn.
- Các vùng phát triển đô thị, không gian các đô thị mới; phân khu chức năng các đô thị mới.
- Chỉ tiêu sử dụng đất đối với không gian ngầm tại các đô thị, khu trung tâm thương mại dịch vụ tập trung, khu trung tâm hành chính, khu kết cấu hạ tầng tập trung trên địa bàn tỉnh.
3. Tổng hợp các chỉ tiêu sử dụng đất trên địa bàn tỉnh và phân bổ đến từng đơn vị hành chính cấp huyện.
4. Đánh giá tác động đến kinh tế, xã hội và môi trường của phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất.
a) Đánh giá tác động của phương án đến nguồn thu từ việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và chi phí cho việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;
b) Đánh giá tác động của phương án đến khả năng bảo đảm an ninh lương thực;
c) Đánh giá tác động của phương án đối với việc giải quyết quỹ đất ở, mức độ ảnh hưởng đến đời sống các hộ dân phải di dời chỗ ở, số lao động phải chuyển đổi nghề nghiệp do chuyển mục đích sử dụng đất;
d) Đánh giá tác động của phương án đến quá trình đô thị hóa và phát triển hạ tầng;
đ) Đánh giá tác động của phương án đến việc tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, bảo tồn văn hoá các dân tộc;
e) Đánh giá tác động của phương án đến khả năng khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên; yêu cầu bảo tồn, phát triển diện tích rừng và tỷ lệ che phủ.
5. Phân kỳ phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai cấp tỉnh.
a) Xác định nhu cầu sử dụng các loại đất trong mỗi kỳ kế hoạch sử dụng đất 5 năm theo phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai;
b) Cân đối quỹ đất trong phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai cho từng kỳ kế hoạch sử dụng đất 5 năm theo từng loại đất.
6. Xác định các giải pháp thực hiện phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai.
a) Xác định các giải pháp bảo vệ, cải tạo đất và bảo vệ môi trường;
b) Xác định các giải pháp tổ chức thực hiện;
7. Xây dựng hệ thống bảng, biểu số liệu phân tích, sơ đồ, biểu đồ.
8. Lập bản đồ quy hoạch sử dụng đất.
9. Xây dựng các báo cáo chuyên đề.
10. Hội thảo và chỉnh sửa báo cáo, bản đồ sau hội thảo.
11. Đánh giá, nghiệm thu Hạng mục 4.
Hạng mục 5. Xây dựng báo cáo thuyết minh; hoàn thiện hệ thống bảng biểu số liệu và bản đồ
1. Xây dựng báo cáo thuyết minh.
2. Hoàn thiện hệ thống bảng, biểu số liệu, sơ đồ, biểu đồ.
3. Hoàn thiện hệ thống bản đồ (bản đồ hiện trạng và bản đồ quy hoạch sử dụng đất)
4. Hội thảo; hoàn thiện báo cáo thuyết minh; hệ thống bảng, biểu số liệu, sơ đồ, biểu đồ; hệ thống bản đồ quy hoạch sử dụng đất sau hội thảo.
5. Báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai; chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ, tài liệu sau báo cáo.
6. Đánh giá, nghiệm thu Hạng mục 5.
Hạng mục 6. Thẩm định và tích hợp phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai vào quy hoạch tỉnh.
1. Thẩm định phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai:
a) Nộp báo cáo thuyết minh phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai và hồ sơ, tài liệu kèm theo về Bộ Tài nguyên và Môi trường để thẩm định;
b) Tổ chức thẩm định;
c) Chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ, tài liệu sau thẩm định.
2. Chuyển giao phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai cho cơ quan lập quy hoạch tỉnh để tích hợp vào quy hoạch tỉnh.
3. Đánh giá, nghiệm thu Hạng mục 5
4. Giao nộp sản phẩm Dự án.


Hội thảo khoa học về kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Thành phố Đà Lạt
Hội thảo khoa học về kết quả nghiên cứu của Đề tài tại Thành phố Nam Định
GS.TSKH. Đặng Hùng Võ - Chủ tịch Hội đồng đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện Đề tài và các thành viên của Hội đồng họp Hội đồng tại Bộ Tài nguyên và Môi trường
Cùng với mục tiêu chung của đề tài là “Đổi mới phương pháp luận trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nâng cao chất lượng của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phát huy được vai trò, vị trí của quy hoạch sử dụng đất là quy hoạch nền, vừa mang tính tích hợp, vừa mang tính điều phối đất đai cho các ngành, lĩnh vực nhằm sử dụng tài nguyên đất đai đầy đủ, hiệu quả và bền vững, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh”, chúng tôi hy vọng quy trình “Lập phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện”, một trong những sản phẩm của Đề tài sẽ giúp ích cho các cơ quan chuyên môn, các địa phương trong công tác lập phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện, một công việc mới mẻ nhưng có vai trò là nền móng, khoanh định và phân bổ nguồn lực đất đai đầy đủ, hợp lý cho các ngành, lĩnh vực trong quy hoạch tỉnh, góp phần sử dụng nguồn lực đất đai và tài nguyên thiên nhiên hiệu quả, bền vững./.
PTTKH&HTQT