Trong khuôn khổ thực hiện Chương trình KH&CN cấp quốc gia về tài nguyên môi trường và biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức họp Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Nghiên cứu cơ sở khoa học, thực tiễn đề xuất mô hình sử dụng đất tập trung, quy mô lớn, hiệu quả, bền vững đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại các vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam”, mã số BĐKH.35/16-20, do tiến sỹ Thái Thị Quỳnh Như làm chủ nhiệm đề tài, Viện Nghiên cứu quản lý đất đai là Tổ chức chủ trì thực hiện. Hội đồng nghiệm thu do PGS.TS Vũ Năng Dũng, Hội Khoa học đất Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Viện Nam là Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS Nguyễn Ngọc Nông, trường Đại học Nông lâm, Đại học Thái Nguyên là Phó Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường và PGS.TS Đỗ Thị Tám, Học viện Nông nghiệp Việt Nam là phản biện và các ủy viên Hội đồng gồm: PGS.TS Hồ Quang Đức, Viện Thổ nhưỡng, Nông hóa, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam; TS. Nguyễn Phi Sơn, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ, TS. Nguyễn Minh Sơn, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, TS. Trần Bình Trọng, Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và TS. Lê Văn Chính, Vụ Khoa học Xã hội nhân văn và tự nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Tham dự họp Hội đồng, ngoài các thành viên Hội đồng còn có Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó chánh Văn phòng Chương trình KH&CN cấp quốc gia về tài nguyên môi trường và biến đổi khí hậu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý đất đai cùng các thành viên trong Nhóm nghiên cứu đề tài.
Chủ nhiệm đề tài thay mặt Nhóm nghiên cứu báo cáo kết quả các nội dung nghiên cứu của đề tài đã hoàn thành, đáp ứng được tiến độ và mục tiêu chung của đề tài là hoàn thiện mô hình quản lý, sử dụng đất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, tạo cơ chế sử dụng đất ổn định, thu hút các doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng công nghệ cao, tăng sức cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế hướng tới một nền nông nghiệp chất lượng, nâng cao giá trị kinh tế đất, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước và phát triển bền vững. Mục tiêu cụ thể của đề tài gồm: Xây dựng cơ sở khoa học, thực tiễn đề xuất mô hình sử dụng đất tập trung, quy mô lớn, hiệu quả, bền vững đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại các vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam; Đánh giá thực trạng sử dụng đất tập trung quy mô lớn, hiệu quả, bền vững tại các vùng kinh tế trong cả nước và khả năng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; Đề xuất mô hình và đánh giá hiệu quả sử dụng đất của các mô hình theo hướng sử dụng đất tập trung, quy mô lớn và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; Lượng giá được các giá trị về kinh tế, xã hội, môi trường khi sử dụng đất tập trung.
Tiến sỹ Thái Thị Quỳnh Như, Chủ nhiệm đề tài báo cáo trước Hội đồng
Kết quả nghiên cứu của đề tài đã tổng hợp, phân tích, đánh giá làm rõ cơ sở lý luận về tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp, gồm: Tổng quan tình hình nghiên cứu thuộc lĩnh vực của đề tài, nêu được các khái niệm có liên quan đến nội dung nghiên cứu về tập trung đất đai, vùng kinh tế trọng điểm, cánh đồng mẫu lớn, nêu được khái quát về nông nghiệp công nghệ cao, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp 4.0; Nghiên cứu tình hình tập trung đất nông nghệp tạo ra vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung với quy mô lớn và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn tại mộ số nước như Mỹ, Hà Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan, Israel trên cơ sở đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam từ tình hình tập trung đất nông nghiệp và ứng dụng công nghệ cao tại một số nước. Hệ thống chính sách pháp luật đất đai cũng như chính sách pháp luật khác có liên quan đã được tổng hợp theo 3 giai đoạn (trước năm 1986; từ năm 1986 đến năm 2013 và giai đoạn từ 2013 đến nay). Đã tổng hợp, phân tích kế quả chính sách của các công trình nghiên cứu trong nước và nước ngoài về tập trung đất nông nghiệp và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Từ đó tổng kết những nội dung đã được cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn, đồng thời đề xuất những điểm chưa hoàn thiện, chưa rõ để có thể đưa vào các nội dung nghiên cứu của đề tài.
Đề tài đã khái quát được tình hình tập trung đất đai và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Đồng thời cung cấp một cách đầy đủ số liệu thực tế tại địa bàn nghiên cứu, đề tài đã tiến hành điều tra, nghiên cứu về tình hình tập trung đất nông nghiệp và ứng dụng công nghệ cao tại 16 tỉnh thuộc 4 vùng kinh tế trọng điểm (vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam và đồng bằng sông Cửu Long) và 4 tỉnh đặc thù (Sơn La, Nghệ An, Đắc Nông, Lâm Đồng), 4 tỉnh này trong thực tế đang triển khai nhiều mô hình sử dụng đất tập trung, quy mô lớn, có ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Kết quả điều tra, nghiên cứu cho thấy, mỗi vùng kinh tế trọng điểm do đặc thù điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội khác nhau, mô hình cũng không giống nhau: hình thức hợp tác xã sản xuất tập trung chủ yếu ở vùng kinh tế trọng điểm miền Nam và vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long; việc dồn điển đổi thửa diễn ra phổ biến ở các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ (Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Sơn La) và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi); hình thức hợp tác sản xuất tập trung chủ yếu ở vùng kinh tế trọng điểm miền Nam và vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long. Mô hình thuê đất nông nghiệp và mô hình hợp tác sản xuất là các mô hình tập trung đất nông nghiệp phố biến nhất tại các địa bàn điểu tra. Mo hình góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất đều không thu được hiệu quả như mong muốn.
Trên cơ sở kết quả phân tích về cơ sở lý luận cũng như thực tiễn, đề tài nghiên cứu đã đề xuất bộ tiêu chí về quy mô sử dụng đất và bộ tiêu chí về đánh giá hiệu quả quản lý, kinh tế - xã hội và môi trường đối với 3 mô hình (mô hình thuê đất, hợp tác và góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất), cụ thể:
- Hệ thống chỉ tiêu đánh giá hiệu quả quản lý, gồm: Sự phù hợp của mô hình sử dụng đất với chủ trương chính sách hiện hành và việc tổ chức thực hiện của chính quyền địa phương; Đánh giá mức độ phù hợp của việc tổ chức sản xuất của tổ hợp tác và hợp tác xã; Sự phù hợp về công tác hoạch định chiến lược sản xuất của tổ hợp tác và hợp tác xã.
- Hiệu quả kinh tế của các mô hình sử dụng đất tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao được đánh giá thông qua các chỉ tiêu chính (Giá trị sản xuất, chi phí và lợi nhuận) và các nhóm chỉ tiêu phản ánh giá trị sản xuất chi tiết cho từng kiểu mô hình sử dụng đất, gồm: Hệ thống chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh tế đối với các mô hình sử dụng đất là cây trồng hàng năm và nuôi trồng thủy sản (chuyên lúa, chuyên màu và nuôi trồng thủy sản); Hệ thống chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh tế đối với các mô hình sử dụng đất là cây lâu năm (cây ăn quả lâu năm; cây công nghiệp) và rừng; Hệ thống chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh tế theo hình thức tổ chức sản xuất là hộ gia đình cá nhân, trang trại và hợp tác xã nông nghiệp.
- Hệ thống chỉ tiêu đánh giá về xã hội và môi trường.
Đề tài đã sử dụng phương pháp SWOT đối với 3 mô hình (mô hình thuê đất, hợp tác và góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất), trên cơ sở kết quả về bộ tiêu chí đánh giá ở trên, đề tài đã xây dựng phiếu điều tra và tiến hành điều tra thực tế vòng 2, vòng 3 tại 3 tỉnh là tỉnh Hưng Yên, An Giang và thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả điều tra được tiến hành trên 05 mô hình hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Hưng Yên; 03 mô hình hợp tác xã trên địa bàn tỉnh An Giang; 02 mô hình thuê đất trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Các mô hình về góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất đều không hoạt động hoặc đã giải thể.
Thông qua kết quả thu thập tài liệu và kết quả điều tra trên địa bàn 16 tỉnh thuộc 4 vùng kinh tế trọng điểm và 4 tỉnh đặc thù đề tài đã tổng hợp đánh giá được những ưu điểm và hạn chế riêng của từng mô hình tập trung đất đai. Đồng thời dựa trên những tiêu chí đánh giá hiệu quả về quản lý, kinh tế, xã hội - môi trường tại 3 tỉnh nghiên cứu điểm, đề tài đã đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất của các mô hình, bao gồm nhóm giải pháp chung và giải pháp riêng.
Sản phẩm của đề tài ngoài các sản phẩm báo cáo tổng hợp, báo cáo tóm tắt, các báo cáo khoa học còn có 02 bài báo đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Địa lý nhân văn và Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 01 bài báo đăng trên tạp chí Quốc tế Land - Multidisciplinary Digital Publishing Institute (MDPI) bên cạnh đó đề tài hỗ trợ đào tạo 01 tiến sỹ và 02 thạc sỹ chuyên ngành Quản lý đất đai tại trường Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội.
Đề tài cũng đưa ra khuyến nghị cần có sự nghiên cứu trên phạm vi cả nước để có những nhận xét, đánh giá một cách đầy đủ, khách quan vì phạm vi nghiên cứu của đề tài là tại các vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam (23/63 tỉnh thành) vì vậy các kết quả nghiên cứu mới chỉ tập trung ở một số địa bàn nhất định thuộc các vùng kinh tế trọng điểm. Đồng thời, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét một số kiến nghị trong kết quả nghiên cứu của đề tài phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về đất đai trong thời gian tới.
Sau khi Chủ nhiệm đề tài trình bày tóm tắt quá trình tổ chức thực hiện đề tài, kết quả, sản phẩm khoa học và công nghệ đề tài, các thành viên Hội đồng nêu câu hỏi đối với chủ nhiệm đề tài. Chủ nhiệm đề tài và nhóm nghiên cứu trả lời các câu hỏi của Hội đồng. Hội đồng đã nghe các báo cáo phản biện, nhận xét của thành viên Hội đồng và các đại biểu tham dự họp.
PGS.TS Vũ Năng Dũng - Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS Nguyễn Ngọc Nông - Phó Chủ tịch Hội đồng và PGS.TS Đỗ Thị Tám - Ủy viên phản biện
Các thành viên Hội đồng đã bỏ phiếu đánh giá xếp loại kết quả thực hiện đề tài theo mẫu tại 11/2014/TT-BKHCN ngày 30/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Quy định việc đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia sử dụng ngân sách nhà nước; Hội đồng thảo luận thống nhất những điểm cần sửa chữa, bổ sung trong báo cáo tổng hợp, các sản phẩm của đề tài và đề nghị chủ nhiệm đề tài cùng nhóm nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm theo đúng quy định. Đề tài được Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu cấp quốc gia nhất trí nghiệm thu xếp loại Đạt (trong đó có 01/07 phiếu đánh giá loại Xuất sắc, 06/07 phiếu đánh giá loại Đạt)./.
Hà Thanh