ĐỀ TÀI:
“NGHIÊN CỨU, ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ TRONG XÂY DỰNG MÔ HÌNH ĐỂ DỰ BÁO NHU CẦU SỬ DỤNG ĐẤT PHỤC VỤ CÔNG TÁC QUY HOẠCH ĐẤT ĐAI”
MÃ SỐ: TNMT.2016.01.08
(Kèm theo Quyết định số 1485/QĐ-BTNMT ngày 29 tháng 6 năm 2016
của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường)
1. Mục tiêu:
- Nâng cao chất lượng dự báo nhu cầu sử dụng đất; nâng cao tính định hướng, tính dự báo của quy hoạch sử dụng đất nhằm bảo đảm tính hiệu quả, tính khả thi của các phương án quy hoạch sử dụng đất.
- Đề xuất các giải pháp ứng dụng công nghệ và áp dụng mô hình phù hợp trong công tác dự báo nhu cầu sử dụng đất nhằm phục vụ lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, cấp tỉnh.
2. Nội dung
- Nghiên cứu tổng quan về dự báo nhu cầu sử dụng đất và ứng dụng công nghệ trong dự báo nhu cầu sử dụng đất phục vụ công tác quy hoạch sử dụng đất
- Nghiên cứu thực trạng dự báo nhu cầu sử dụng đất và khả năng ứng dụng công nghệ trong dự báo nhu cầu sử dụng đất
- Xây dựng mô hình dự báo nhu cầu sử dụng đất phục vụ quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện
- Xây dựng phần mềm dự báo nhu cầu sử dụng đất phục vụ công tác quy hoạch sử dụng đất
- Thử nghiệm và hoàn thiện mô hình để dự báo nhu cầu sử dụng đất phục vụ công tác
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu:
- Đối tượng nghiên cứu: Các loại đất theo MĐSD (không tính đến 3 chỉ tiêu loại đất mang tính chất tổng hợp không cộng vào để thành diện tích tự nhiên là đất khu công nghệ cao, đất khu kinh tế và đất đô thị); công nghệ ứng dụng trong xây dựng mô hình sử dụng đất.
- Phạm vi nghiên cứu: Đề tài tập trung nghiên cứu xây dựng mô hình dự báo NCSDĐ cho các MĐSDĐ phục vụ cho công tác QHSDĐ cấp tỉnh, cấp huyện. Các tiến bộ khoa học - công nghệ ứng dụng trong SDĐ, sự thay đổi phương thức SDĐ (hệ số sử dụng đất) như các tòa nhà cao tầng sử dụng đa mục đích, giao thông ngầm, trên cao; nông nghiệp công nghệ cao... chưa được đề cập trong nghiên cứu này.
Trong khuôn khổ của đề tài, đề tài lựa chọn điều tra, khảo sát, nghiên cứu tại 05 tỉnh, thành phố đại diện cho các địa phương trong phạm vị cả nước: Lai Châu, Hưng Yên, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu (các tỉnh được chọn đại diện cho các vùng KT-XH mang tính đặc thù) nhằm có cơ sở thực tiễn để đánh giá về thực trạng dự báo NCSDĐ tại các địa phương, làm rõ những kết quả đạt được, những thuận lợi cũng như khó khăn, vướng mắc trong công tác từ đó lựa chọn các phương pháp dự báo phù hợp và xây dựng mô hình dự báo NCSDĐ phục vụ cho công tác QHSDĐ cấp tỉnh, cấp huyện.
Đề tài xây dựng Phần mềm dự báo NCSDĐ và tiến hành thử nghiệm tại địa bàn huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.
4. Phương pháp nghiên cứu:
- Phương pháp điều tra, thu thập thông tin, tài liệu
- Phương pháp tổng hợp và xử lý số liệu
- Phương pháp kế thừa
- Phương pháp dự báo
- Phương pháp bản đồ và hệ thông tin địa lý (GIS)
- Phương pháp chuyên gia
- Phương pháp thử nghiệm
5. Kết quả đạt được:
- Đề tài đã hệ thống hóa được cơ sở lý luận và thực tiễn về dự báo nhu cầu sử dụng đất phục vụ công tác quy hoạch sử dụng đất; các yếu tố ảnh hưởng đến việc dự báo nhu cầu sử dụng đất; Phân tích, đánh giá các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan đến dự báo nhu cầu sử dụng đất để từ đó làm rõ hơn cơ sở pháp lý và chỉ ra những vấn đề cần hoàn thiện của pháp luật về dự báo nhu cầu sử dụng đất trong công tác quy hoạch sử dụng đất; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để rút ra bài học cho Việt Nam.
- Đánh giá được thực trạng dự báo nhu cầu sử dụng đất và thực trạng ứng dụng công nghệ trong dự báo nhu cầu sử dụng đất phục vụ công tác quy hoạch sử dụng đất, chỉ ra được những tồn tại, khó khăn vướng mắc cũng như những vấn đề cần đổi mới khi dự báo nhu cầu sử dụng đất.
- Trên quan điểm tiếp cận các phương pháp dự báo mang tính định lượng cũng như ứng dụng công nghệ GIS, đề tài đã đề xuất xây dựng mô hình dự báo nhu cầu sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện. Theo đó, các loại đất (các biến trong mô hình) được chia thành 4 nhóm với các phương pháp xác định khác nhau như: theo định mức sử dụng đất; theo nhu cầu thực tế của địa phương; theo hệ số co giãn đất; theo mô hình toán tối ưu đa mục tiêu. Đề tài lựa chọn phương pháp chồng xếp các lớp dữ liệu của bản đồ hiện trạng sử dụng đất, bản đồ quy hoạch sử dụng đất cấp trên và bản đồ tiềm năng đất đai kết hợp với nguyên tắc lựa chọn vị trí không gian (lựa chọn xung quanh các điểm mốc định và lựa chọn theo vùng đệm mở rộng) để xây dựng bản đồ dự báo nhu cầu sử dụng đất.
- Đề tài đã xây dựng phần mềm dự báo nhu cầu sử dụng đất với ứng dụng WebGIS có ưu thế trong việc tổng hợp, xử lý các số liệu, dữ liệu với khối lượng lớn và có thể kết hợp xử lý cả phần dữ liệu thuộc tính và dữ liệu không gian trong quá trình tính toán nhu cầu sử dụng đất tổng hợp, nhu cầu sử dụng đất của các ngành.
- Kết quả chạy thử mô hình tại huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên cho thấy có lợi thế hơn so với với phương án quy hoạch mà địa phương đang áp dụng như: hạn chế sự áp đặt chủ quan định tính của người lập quy hoạch, sát với thực tiễn. Tính khả thi và thực tiễn của nghiên cứu là có thể tham khảo để định hướng sử dụng đất của địa phương đến năm 2020.
- Đề xuất một số giải pháp ứng dụng công nghệ trong mô hình dự báo nhu cầu sử dụng đất như giải pháp về công nghệ, tổ chức thực hiện và một số giải pháp khác.
6. Thời gian thực hiện: 38 tháng (từ tháng 7/2016 đến tháng 9/2019)
7. Kết quả nghiệm thu: Đạt
8. Đơn vị chủ trì: Viện Nghiên cứu quản lý đất đai
9. Chủ nhiệm: ThS. Vũ Thị Minh Huệ