HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ HỢP TÁC QUỐC TẾ
CỦA VIỆN NGHIÊN CỨU QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI
Hoạt động trong lĩnh vực Khoa học và Công nghệ của Viện Nghiên cứu quản lý đất đai được quy định theo Giấy chứng nhận Khoa học và Công nghệ Số A-785 do Bộ Khoa học và Công nghệ cấp (Đăng ký lần thứ 3) ngày 29 tháng 7 năm 2020, cụ thể như sau:
- Nghiên cứu cơ sở khoa học phục vụ việc xây dựng cơ chế, chính sách, chương trình quốc gia về quản lý, sử dụng đất và lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Nghiên cứu phát triển nguồn lực kinh tế, tài chính đất đai; Nghiên cứu, triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ, chương trình, đề án, dự án sản xuất thử nghiệm trong lĩnh vực đất đai; Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá trong lĩnh vực đất đai.
- Triển khai ứng dụng và chuyển giao công nghệ về quản lý đất đai.
- Dịch vụ KH&CN: Phân tích mẫu đất; Điều tra, đánh giá chất lượng đất, thoái hóa, ô nhiễm đất; Phân hạng đất; Thống kê, kiểm kê đất đai, xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất; Đo đạc lập bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính; Xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai; Giám sát, kiểm tra nghiệm thu và thẩm định công trình liên quan đến đất đai; Lập và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Xác định giá đất.
- Thông tin, tư vấn trong các lĩnh vực nghiên cứu nêu trên.
- Hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước thực hiện nhiệm vụ của Viện.
* Đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ:
Từ năm 2008 đến nay, Viện Nghiên cứu quản lý đất đai đã và đang quản lý, trực tiếp triển khai thực hiện 61 đề tài nghiên cứu khoa học - công nghệ (2 đề tài cấp Nhà nước, 29 đề tài cấp Bộ và 30 đề tài cấp cơ sở). Kết quả thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, công nghệ đã có những ứng dụng, đóng góp về luận cứ khoa học và cơ sở thực tiễn để xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật đất đai, thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ vào các lĩnh vực quản lý đất đai như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đánh giá tài nguyên đất; thống kê, kiểm kê đất đai; kinh tế và tài chính đất đai; hỗ trợ giúp các địa phương giải quyết một số vấn đề thực tiễn về quản lý, sử dụng đất đai. Kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của Viện có thể chia thành các hướng nghiên cứu chính như sau:
1. Nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật đất đai
2. Nghiên cứu trong lĩnh vực điều tra cơ bản về đất đai, sử dụng đất bền vững
3. Nghiên cứu trong lĩnh vực đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng hệ thống thông tin đất đai
4. Nghiên cứu trong lĩnh vực quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất và thu hồi đất
5. Nghiên cứu trong lĩnh vực tài chính đất đai, phát triển quỹ đất và định giá đất
6. Nghiên cứu trong lĩnh vực thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai
7. Nghiên cứu trong lĩnh vực đào tạo phát triển nguồn nhân lực
* Nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng
Thực hiện nhiệm vụ được Tổng cục Quản lý đất đai giao, trong năm 2019, Viện Nghiên cứu quản lý đất đai đã thực hiện 05 nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, cụ thể:
- Quản lý tổ chức cán bộ, quản lý tài chính, hành chính, quản trị năm 2019 của Viện Nghiên cứu quản lý đất đai
- Xây dựng kế hoạch, quản lý và thông tin, hội thảo về khoa học và công nghệ năm 2019 của Viện Nghiên cứu quản lý đất đai
- Đánh giá thực trạng công tác định giá đất đối với đất phi nông nghiệp phục vụ quản lý nhà nước về đất đai
- Đánh giá việc áp dụng các phương pháp dự báo nhu cầu sử dụng đất phục vụ công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
- Đánh giá thực trạng công tác thu hồi đất, giao đất phục vụ mục đích sinh hoạt cộng đồng.
* Hợp tác quốc tế
Trong những năm vừa qua, Viện đã liên kết, hợp tác nghiên cứu với các đơn vị trong và ngoài Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục quản lý đất đai trong công tác thực hiện các chương trình, dự án và đề tài Khoa học công nghệ nhằm góp phần nâng cao chất lượng quản lý trong lĩnh vực quản lý đất đai nói riêng và tài nguyên môi trường nói chung. Đối với các tổ chức quốc tế, Viện đã (hoặc cử các chuyên gia) tham gia xây dựng thể chế hợp tác giữa Tổng cục Quản lý đất đai và Lantmateriet (Thụy Điển); dự án phát triển hệ thống địa chính tại 03 thành phố lớn Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh thuộc Dự án Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai Việt Nam (VLAP) theo sự chỉ đạo của Lãnh đạo Tổng cục. Một số cán bộ của Viện tham gia vào các dự án hợp tác quốc tế về xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về đa dạng sinh học của Việt Nam và lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch sử dụng đất tại địa phương (NBSAP), hành lang bảo tồn đa dạng sinh học tiểu vùng Mê Kông mở rộng - giai đoạn II (BCC).